Multimedia Đọc Báo in

"Cõng"... nước về đồng

05:53, 07/02/2024

Đắk Lắk hiện là tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp đứng đầu cả nước. Để tạo dựng được những vùng cây trồng trù phú mang tầm vóc quốc gia như ngày hôm nay thì không thể thiếu vai trò của hàng trăm công trình thủy lợi đang âm thầm mang dòng nước mát làm xanh lên những vùng đất khô cằn.

Tưới xanh “vùng đất khát”

Nhìn những cánh đồng lúa “thẳng cánh cò bay” ở huyện biên giới Ea Súp ngày nay, ít ai nghĩ đến vùng đất này từng là nơi hoang vu, khô cằn vì không có nước để sản xuất, sinh sống.

Theo ông Nguyễn Tấn Tuấn (thôn 5, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) - một trong những cư dân đầu tiên của vùng đất này cho hay, trước đây người ta hay gọi huyện Ea Súp là “vùng đất chết”, bởi chỉ có le và rừng khộp mới mọc lên nổi trên vùng đất cằn cỗi này. Lúc ấy, gia đình ông chỉ có vỏn vẹn vài sào đất và cũng chỉ trỉa được một vụ lúa ở rẫy, không thể làm được lúa nước. Bởi vậy, rất ít hộ bám trụ lại vùng đất này lâu.

Để ổn định dân cư và phát triển kinh tế khu vực biên giới, chính quyền đã đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó phải kể đến công trình hồ chứa nước Ea Súp thượng, cùng với hệ thống kênh mương đã mang dòng nước mát hồi sinh “vùng đất khát” này. Đến nay, hầu hết các diện tích đất ngày trước cằn khô, giờ đã biến thành những cánh đồng trù phú, mang lại “mùa vàng” cho người dân nơi đây, chấm dứt tình trạng “đứt bữa” vào thời kỳ giáp hạt như nhiều năm về trước. Như gia đình ông Tuấn, với 2 ha lúa nước, mỗi năm thu gần 30 tấn lúa, cộng với việc chăn nuôi thêm 2.000 con vịt siêu trứng và hơn 1.000 con vịt thịt, đủ cho gia đình có mức sống ổn định nơi vùng biên bình yên.

Hệ thống kênh chính Tây của công trình hồ Ea Súp thượng phục vụ nước tưới, sản xuất cho người dân trên địa bàn huyện Ea Súp.

Ông Phạm Ngọc Thủ, Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’lan cho biết, thời điểm chưa có công trình hồ Ea Súp thượng, trên địa bàn xã thường xuyên xảy ra tình trạng tranh chấp về nguồn nước trong sản xuất. Vào khoảng những năm 2000, năng suất 1 sào lúa chỉ được vài tạ vì không đủ nước tưới nên lúa còi cọc, chết khô, sản lượng đạt ở mức cực thấp. Tuy nhiên, khi công trình thủy lợi đi vào hoạt động, vùng được tưới tiêu mỗi năm đều tăng, đặc biệt hệ thống kênh chính Tây đi ngang qua địa bàn xã nên nguồn nước sản xuất luôn đảm bảo, ổn định, diện tích cây lúa nước bắt đầu được mở rộng. Từ đó, người dân chủ động được nguồn nước tưới, đưa năng suất lúa bình quân đạt 7,5 tấn/ha mỗi vụ, góp phần nâng cao thu nhập và nhiều hộ dân đã có cơ hội đổi đời, vươn lên thoát nghèo.

Hồ chứa Ea Súp thượng được khởi công xây dựng từ đầu năm 2001, đây là công trình thủy lợi lớn thứ hai ở Tây Nguyên vào thời điểm đó, với diện tích mặt nước gần 1.500 ha, dung tích 146 triệu m3, bảo đảm nước tưới cho các xã: Ea Lê, Ea Bung, Ia R’vê, Ea Rốk, Cư M’lan, Ya Lốp, Ia Tờ Mốt và thị trấn Ea Súp. Từ khi có công trình thủy lợi này, diện tích canh tác trên địa bàn huyện tăng nhanh. Nếu trước đây toàn huyện chỉ có 1.800 ha thì nay đã tăng lên gần 10.800 ha (lúa 2 vụ, tương đương 21.600 ha gieo trồng mỗi năm). Nhờ có nước tưới đầy đủ, năng suất lúa cũng được nâng lên bình quân khoảng 7 tấn/ha. Đặc biệt, hệ thống kênh chính Đông và kênh chính Tây được hoàn thiện đã biến vùng biên giới Ea Súp thành vựa lúa lớn nhất tỉnh Đắk Lắk.

“Đòn bẩy” cho tái cấu trúc ngành nông nghiệp

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, năm 1975 toàn tỉnh Đắk Lắk (cũ) chỉ có 200 ha lúa đông xuân. Đến năm 1980, sau 5 năm toàn tỉnh tập trung ra quân làm thủy lợi, rất nhiều công trình thủy lợi nhỏ đã được xây dựng ở các địa phương; một số công trình trung thủy nông như Ea Kao, Buôn Triết cũng được đầu tư xây dựng, nâng diện tích tưới vụ đông xuân trên toàn tỉnh lên 9.000 ha, trong đó có 7.500 ha lúa nước.

Và từ đó đến nay, Đắk Lắk đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về hệ thống thủy lợi, trong đó có sự đóng góp của rất nhiều công trình lớn nhất, nhì khu vực Tây Nguyên như: Krông Búk hạ, Ea H’leo 1, Krông Pách thượng… để phục vụ cho sản xuất lúa và các loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh, chủ động thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, phục vụ tái cấu trúc ngành nông nghiệp.

Công trình thủy lợi hồ Ea H’leo 1. Ảnh: Hoàng Tuyết

Đơn cử như Dự án hồ chứa nước Ea H’leo 1 (phê duyệt đầu tư xây dựng vào năm 2017), với dung tích thiết kế hơn 25,5 triệu m3 nước. Đây là công trình lớn, hiện đại, có kết cấu đập bê tông đầu tiên của Đắk Lắk, với chiều dài 312m, chiều cao lớn nhất 59m, tràn xả lũ dài 56m. Khi đưa vào vận hành, hồ chứa cung cấp nước tưới cho khoảng 5.000 ha cây trồng và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 10.000 người dân trong vùng. Từ đó tạo nên những vùng chuyên canh lớn về cây trồng, giúp cải thiện sinh kế cho người dân, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn huyện Ea H’leo. Đặc biệt, khi hệ thống kênh được hoàn thiện thì khu vực hạ lưu hồ còn có thể điều khiển tưới tự động từ xa thông qua các van xả tự động, tạo rất nhiều lợi thế cho phát triển nông nghiệp nói chung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng. Đồng thời, công trình còn xây dựng cả tuyến đường dân sinh ven hồ, thiết kế cảnh quan cây xanh và vườn hoa, tạo nên không gian thơ mộng để thúc đẩy du lịch ở vùng này phát triển.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, hạ tầng thủy lợi đảm bảo nước tưới cho gần 83,3% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới (100% kế hoạch) của tỉnh. Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quản lý công trình hồ chứa, áp dụng mô hình quản lý và tưới tiêu khoa học đã góp phần không nhỏ vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Minh Thuận - Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc