Multimedia Đọc Báo in

Động lực mới cho khởi nghiệp

04:07, 10/02/2024

Năm 2023 kết thúc, đánh dấu một giai đoạn với nhiều hoạt động sôi nổi trong hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Từ đó tiếp thêm nguồn động lực mới cho khởi nghiệp cũng như củng cố, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển.

Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Triển khai thực hiện Kết luận 67-KL/TW, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh, UBND tỉnh và Trường Đại học Tây nguyên đã phối hợp thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh (gọi tắt là Trung tâm).

Mục tiêu hướng đến là xây dựng và phát triển Trung tâm trở thành đơn vị thực hiện vai trò đầu mối về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, tham gia vào hệ thống khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn quốc và khu vực; là cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, cung cấp không gian làm việc chung, các dịch vụ dùng chung cho dự án, DN khởi nghiệp; là đầu mối thu hút và tổ chức các nguồn lực hỗ trợ trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ.

Thiết bị hỗ trợ gõ sầu riêng của nhóm sinh viên ngành Sư phạm Vật lý (Khoa Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Trường Đại học Tây Nguyên).

Bà Tống Thị Lan Chi, Giám đốc Trung tâm đánh giá, thông qua hoạt động phối hợp với các sở, ban, ngành, Trung tâm đã tạo dựng được một số kết nối để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Trường Đại học Tây Nguyên và góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trung tâm đã tổ chức các khóa học, các lớp tập huấn để tăng cường kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp cho học sinh, sinh viên. Qua đó, đã mang lại những hiệu quả tích cực khi có số lượng dự án, đề tài khởi nghiệp trong Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo năm 2023” do Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức nhiều hơn so với năm trước; được Hội đồng ban giám khảo đánh giá cao về chất lượng khi có hàm lượng kỹ thuật, tính sáng tạo và ứng dụng cao hơn.

Cuộc thi đã thu hút 25 ý tưởng, dự án với 100 học sinh, sinh viên tham gia trên các lĩnh vực: chế tạo sản phẩm; nông, lâm, ngư nghiệp; giáo dục, du lịch, dịch vụ; y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp; kinh doanh... tạo tác động xã hội. Trong đó, có nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi cao, với kế hoạch, phương án kinh doanh cụ thể và đã có sản phẩm sản xuất thử nghiệm. Đơn cử như thiết bị hỗ trợ gõ sầu riêng của nhóm 5 sinh viên ngành Sư phạm Vật lý (Khoa Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Trường Đại học Tây Nguyên) được hiện thực hóa từ ý tưởng muốn tạo ra một sản phẩm công nghệ giúp thương lái và người dân thuận tiện hơn trong việc thu hoạch sầu riêng.

Thông qua việc ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), thiết bị hỗ trợ gõ sầu riêng sẽ phân biệt được độ già - non của quả sầu riêng. Khi phát hiện ra những quả sầu riêng đủ độ tuổi thu hoạch thì đèn của thiết bị sẽ phát sáng, giúp người dân chọn đúng quả để cắt. Thiết bị của nhóm đã được đưa vào sử dụng thử nghiệm tại một số nhà vườn trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và nhận được phản hồi tích cực của người dùng bởi tính tiện lợi, dễ sử dụng và có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cao.

Truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

Năm 2023 đánh dấu một bước ngoặt mới trong hoạt động khởi nghiệp của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung khi Làng Design Thinking thuộc Hệ sinh thái Techfest quốc gia đã ra mắt Làng - Đồng trưởng Làng Design Thinking Khu vực Tây Nguyên. Làng Design Thinking có vai trò lớn trong việc thúc đẩy Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2023 cũng đã tổ chức Diễn đàn việc làm, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các tỉnh Tây Nguyên. Đây là nơi gặp gỡ và là cơ hội để xây dựng cầu nối, gắn kết giữa các trường đại học, cao đẳng với các sở, ban, ngành thuộc các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng.

Khách hàng tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk năm 2023.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho rằng, những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong thời gian qua đã góp phần kết nối, kiến tạo để tìm ra những giải pháp sáng tạo, đột phá nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi nền kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển nhiều loại hình DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới với nhiều ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, khích lệ tinh thần khởi nghiệp của các tầng lớp nhân dân, tiếp tục tạo động lực cho thế hệ doanh nhân kế tiếp.

Khả Ngân - Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.