Multimedia Đọc Báo in

Ea Kar trên đường phát triển và xây dựng thị xã

06:20, 03/02/2024

Năm 2023 huyện Ea Kar đã ghi dấu với nhiều kết quả tích cực trong các lĩnh vực. Đây chính là tiền đề quan trọng để huyện hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và từng bước hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng thị xã, hướng đến phát triển thành đô thị trung tâm tiểu vùng phía Đông của tỉnh.

Những kết quả từ nỗ lực vượt bậc

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tình hình kinh tế - xã hội của huyện Ea Kar tiếp tục duy trì phát triển, hầu hết 19 chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt. Trong đó có nhiều chỉ tiêu nổi bật như: tổng giá trị sản xuất đạt 22.670 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện duy trì ở mức cao so với mặt bằng chung toàn tỉnh, đạt 10,3%; giá trị sản xuất bình quân đầu người trên năm đạt 150 triệu đồng; tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 3.664 tỷ đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 153,9 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.

Huyện đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như: Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Ea Kar lần thứ hai, Giải đua thuyền kỷ niệm Ngày 30/4 và 1/5, Liên hoan văn hóa cồng chiêng - thể thao lần thứ nhất trong dịp quốc khánh 2/9... Qua đó, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao hình ảnh Ea Kar, thu hút các nhà đầu tư và du khách.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Ea Kar cùng Đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra tiến độ xây dựng công trình Hồ chứa nước Krông Pách thượng.

Các chương trình mục tiêu quốc gia: giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình nông thôn mới đã triển khai đồng bộ, hiệu quả, tỷ lệ giải ngân đạt trên 90%, góp phần  hoàn thiện hạ tầng, phát triển sản xuất, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 7,8%.

Công tác cải cách hành chính được huyện quan tâm triển khai tích cực, toàn diện, đặc biệt bộ phận một cửa cấp huyện và xã, 100% hồ sơ tiếp nhận trên hệ thống iGate, số lượng hồ sơ giải quyết trên 30.000 hồ sơ, trước hạn đạt 98%, thái độ và trách nhiệm của cán bộ trong việc giải quyết thủ tục hành chính được nâng cao, tạo sự hài lòng của người dân. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm qua, đã giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền đạt 92,34%, giải quyết đơn khiếu nại đạt 100%, giải quyết đơn kiến nghị phản ánh đạt 92,09%. Không để tình trạng khiếu nại, khiếu kiện đông người và điểm nóng.

Thực hiện các công trình trọng điểm gắn với an dân

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà cho biết: Xác định việc triển khai thực hiện các nghị quyết, công trình, dự án trọng điểm như: Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 28/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo xây dựng và phát triển huyện Ea Kar trở thành thị xã, Dự án Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn đi qua địa bàn huyện, Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng là nhiệm vụ trọng tâm, huyện Ea Kar đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện với nhiều giải pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, phù hợp trong từng giai đoạn, gắn với việc bảo đảm ổn định đời sống người dân và an ninh trật tự trên địa bàn.

Để định hình vóc dáng của đô thị trong tương lai, huyện Ea Kar đã tập trung cho công tác lập quy hoạch đô thị: triển khai lập quy hoạch chung đô thị Ea Kar đến năm 2040; hoàn thiện và triển khai các dự án đối với quy hoạch chi tiết khu trung tâm hành chính mới, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030; quy hoạch nông thôn đối với các xã ngoại đô. Đồng thời, hoàn thiện lập Đồ án quy hoạch chi tiết khu đô thị Meyhomes - Ea Kar; hoàn thiện, điều chỉnh quy hoạch mở rộng cụm công nghiệp Ea Đar; đặc biệt đã tích hợp toàn bộ định hướng quy hoạch thị xã vào quy hoạch tỉnh Đắk Lắk đến 2030 và tầm nhìn đến 2050.

Cụm công nghiệp Ea Đar (huyện Ea Kar) có nhiều tiềm năng, thúc đẩy ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại của huyện phát triển.

Huyện tập trung triển khai thực hiện các tiêu chí chưa đạt. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách, huyện Ea Kar đã triển khai huy động nguồn lực xã hội hóa, “khơi sức dân” chung tay tạo dựng diện mạo mới cho thị xã tương lai. Toàn huyện đã huy động xã hội hóa gần 30 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhờ vậy, đến nay, huyện Ea Kar đã đạt 46/59 tiêu chí đô thị loại IV và đạt 3/5 tiêu chuẩn về thị xã.

Cùng với công tác quy hoạch, Ea Kar đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, xúc tiến, thu hút đầu tư. Hiện nay đã triển khai thực hiện các dự án được tỉnh chấp thuận đầu tư: Trang trại chăn nuôi lợn thịt Tasico tại thôn 4 (xã Ea Sô), dự án thủy điện Ea Tih và Nhà máy chế biến trái cây tại Cụm Công nghiệp Ea Đar với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Thời gian tới, huyện tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các công trình, dự án: Chợ Trung tâm huyện Ea Kar, Du lịch sinh thái Ea Sô, Dự án Khu đô thị Meyhomes - Ea Kar....

Đối với Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng, sau nhiều năm triển khai, đặc biệt năm 2023, khu tái định cư số 1 đã cơ bản hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu cuộc sống cho 300 hộ dân về tái định cư. Khu tái định cư, tái định canh số 2 (xã Cư Bông) đã hoàn thành giải phóng mặt bằng bảo đảm đất ở cho khoảng 500 hộ tái định cư, hiện đã có 269 hộ từ huyện M’Drắk về sinh sống, trong đó đã sắp xếp cho 586 học sinh các bậc học vào các trường tại địa bàn tái định cư. Đối với đất sản xuất và hạ tầng giao thông nội đồng và thủy lợi đang tích cực hoàn thiện, giải phóng đến đâu giao đất cho người dân đến đó để kịp thời tổ chức sản xuất. Huyện đã tổ chức khám chữa bệnh miễn phí, các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tặng quà cho người dân khu tái định cư; mở lớp xóa mù chữ, tổ chức đối thoại, tuyên truyền và mở lớp dạy nghề theo Chương trình 1719; đã thành lập thôn mới tại định cư số 1 và đang triển khai thành lập thôn mới tại khu tái định cư số 2.

Dự án Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đi qua địa bàn huyện thuộc dự án thành phần 2 và 3 có tổng chiều dài 13,5 km và xây dựng một điểm kết nối cao tốc, diện tích giải phóng mặt bằng là 104,5 ha. Đến nay, huyện đã bàn giao mặt bằng trên 90%. Phần còn lại đã hoàn thành các thủ tục, đang chờ chuyển mục đích sử dụng rừng để bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.