Nguồn vốn dồi dào, tiền vẫn "chờ" người vay
Thời điểm đầu năm, nguồn tiền dồi dào, tuy nhiên, do nhu cầu tín dụng thấp, sức hấp thụ vốn kém nên tăng trưởng tín dụng của hầu hết ngân hàng vẫn rất thấp, thậm chí đi xuống.
Ngay từ đầu năm, một số ngân hàng đã có nhiều chính sách tốt cho khách hàng. Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) điều chỉnh chính sách cho vay đối với khoản vay trung và dài hạn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhu cầu đời sống, với mức lãi suất cố định từ 7%/năm, thời gian áp dụng được nới rộng từ 12 tháng lên 24 tháng. Cùng với giảm lãi suất cho vay, Agribank cũng đã triển khai ba chương trình giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu của gần 2 triệu khách hàng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố chương trình cho vay trung và dài hạn, thời hạn lên đến 30 năm. Đặc biệt, Vietcombank cố định lãi suất cho vay trong 18 tháng đầu tiên là 6,7%/năm, 2 năm là 6,8%/năm, 3 năm là 7,5%/năm, 5 năm là 9,5%/năm, 7 năm là 10,5%/năm và 10 năm có lãi suất cố định là 11%/năm. Sau thời gian ưu đãi lãi suất cố định, lãi suất cho vay sẽ được tính bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với biên độ 3,5%.
Cán bộ Agribank Cư Kuin kiểm tra thực tế việc sử dụng vốn vay của khách hàng. |
Tiền "chờ" người vay, nhưng tín dụng của các ngân hàng tăng trưởng rất khó. Đại diện một chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần lớn cho biết, đầu năm 2024 đến nay, tín dụng của đơn vị sụt giảm khoảng 2% so với cuối năm 2023. Nguyên nhân khiến tín dụng giảm là các động lực tăng trưởng phục hồi chậm, hoạt động của doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, năng lực tài chính của doanh nghiệp yếu. “Nghỉ Tết Nguyên đán và trong tháng Giêng, người ta chưa làm việc gì nên ngân hàng khó cho vay”, vị này cho biết.
Nguyên nhân khác khiến tín dụng tăng trưởng khó là các dự án mới đầu tư xây dựng cơ bản quy mô lớn mới phê duyệt còn ít, vướng mắc về thủ tục làm chậm tiến độ triển khai dự án. Ngoài ra, tín dụng bất động sản, tiêu dùng giảm vì kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân giảm sút, thị trường bất động sản trầm lắng. Bên cạnh đó, trên địa bàn Đắk Lắk, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang ách tắc, chưa được giải ngân.
Theo đại diện các ngân hàng, thời điểm đầu năm, tín dụng tăng trưởng chậm không có gì bất thường. Dư nợ tín dụng luôn có xu hướng giảm vào tháng 1, tháng 2 và sẽ tăng trở lại vào cuối quý I và đầu quý II hằng năm, khi nhu cầu tín dụng của khách hàng doanh nghiệp, cá nhân tăng lên. Thời gian tới, các ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai cho vay lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng. Các tổ chức tín dụng mong muốn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét tháo gỡ thủ tục pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần xem xét kéo dài thời hạn áp dụng Thông tư 02/2023/TT-NHNN "Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn" đến hết năm thay vì đến giữa năm 2024 như hiện nay.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc