Multimedia Đọc Báo in

Phát huy giá trị tài nguyên bản địa

08:41, 16/02/2024

Mạnh dạn, tự tin thực hiện khát vọng khởi nghiệp, nhiều phụ nữ đã lựa chọn dựa vào nguồn tài nguyên có sẵn tại địa phương để tạo ra những sản phẩm có giá trị thương mại cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và xu hướng hiện đại, nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên.

Lưu giữ hương hoa cà phê

Gắn bó với cao nguyên Đắk Lắk hơn nửa đời người, chị Bùi Thị Kim Anh, Giám đốc Công ty TNHH FARMFOOD (TP. Buôn Ma Thuột) có tình yêu đặc biệt đối với cà phê. Chị vẫn luôn ấp ủ mơ ước sẽ làm một việc gì đó từ nguồn tài nguyên bản địa dồi dào là những rẫy cà phê bạt ngàn.

Từ suy nghĩ đó, chị bắt đầu tìm tòi nghiên cứu, sản xuất sản phẩm từ hoa cà phê, quyết tâm “thổi hồn” vào những bông hoa cà phê trắng tinh khôi, chế biến thành thức uống mang hương vị đặc trưng, tăng giá trị, lợi nhuận cho loại cây trồng chủ lực của địa phương.

Chị Bùi Thị Kim Anh giới thiệu sản phẩm trà hoa cà phê với du khách nước ngoài.

“Hoa cà phê có mùi thơm đặc trưng nhưng lại chóng tàn, chính vì vậy tôi nảy ra ý định lưu giữ hương hoa cà phê - đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên - để giới thiệu đến với mọi người. Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, hiện nay sản phẩm trà của công ty được bày bán trên hầu hết các sàn thương mại điện tử và một số siêu thị”, chị Kim Anh cho hay.

Theo chị Kim Anh, công đoạn để làm ra trà hoa cà phê rất công phu và tỉ mỉ. Sau khi hoa qua quá trình thụ phấn và đậu trái sẽ được thu hái về để chế biến. Để trà hoa cà phê có được hương vị độc đáo và đậm đà, người thợ phải thu hái hoa trong khoảng thời gian từ 4 đến 8 giờ sáng. Đây là thời điểm hoa cà phê đạt chất lượng tốt nhất. Hoa thu hoạch xong phải sơ chế ngay để giữ được hương thơm đặc trưng.

Năm 2023, chị Kim Anh đã đưa dự án “Sản xuất và chế biến sản phẩm trà từ hoa cà phê nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nữ” của mình đến với Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc. Dự án của chị là 1 trong 3 dự án giành giải Nhất của cuộc thi này.

Cũng nhờ đó, Công ty TNHH FARMFOOD và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội đã có ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư kinh doanh và cung ứng, sử dụng dịch vụ để góp phần nâng cao vị thế sản phẩm, mở rộng thị trường phân phối đối với các sản phẩm từ hoa cà phê.

“Hy vọng rằng đây sẽ là bước khởi đầu thuận lợi để sản phẩm Trà hoa cà phê sớm vươn tầm quốc tế, tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương”, chị Kim Anh chia sẻ.

Nâng tầm ca cao

Tận dụng lợi thế từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Nhất Tâm (thôn 10, xã Ea Đar, huyện Ea Kar) đã đầu tư xưởng sản xuất và bước đầu thành công với sản phẩm nước ca cao lên men.

Thành lập từ năm 2018 với 20 thành viên là hội viên phụ nữ trồng ca cao tại địa phương, đến nay HTX đã liên kết với trên 200 hộ dân trồng ca cao trên địa bàn huyện với tổng diện tích 100 ha.

Chị Nguyễn Hồng Thương chia sẻ quá trình sản xuất nước ca cao lên men.

Chị Nguyễn Hồng Thương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX chia sẻ, ban đầu HTX đơn thuần chỉ sản xuất hạt ca cao khô lên men tiêu thụ thị trường trong nước và liên kết, cung cấp cho một số công ty để xuất khẩu sang Nhật Bản. Tuy nhiên trong quá trình sản xuất, nhận thấy mỗi năm phải bỏ đi hàng chục nghìn lít nước ép ca cao không chỉ làm lãng phí nguồn nguyên liệu mà còn gây ô nhiễm môi trường, chị quyết tâm nghiên cứu chế biến ra sản phẩm nước ca cao lên men.

Cho ra mắt sản phẩm từ năm 2020, đến nay HTX sản xuất khoảng 10.000 lít nước ca cao lên men mỗi năm. Được lên men hoàn toàn tự nhiên từ nước ép quả ca cao tươi, ủ men nhiều tháng, thành phẩm có vị dịu ngọt nhẹ nhàng, mang theo hương thơm thoang thoảng từ hạt ca cao nguyên chất. Năm 2023, sản phẩm ca cao lên men đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Dự án “Phát triển nước ca cao lên men” của chị đã giành giải Nhất tại Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp kinh doanh của phụ nữ tỉnh Đắk Lắk và đoạt giải Khuyến khích tại Vòng chung kết cấp vùng khu vực miền Trung Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Anh Phương

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.