Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp trong nước “đuối sức” trên "đường đua" xuất khẩu cà phê?

12:48, 31/03/2024

Đã hàng chục năm qua và cho đến nay, việc xuất khẩu cà phê Việt Nam ra thị trường quốc tế của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn “so kè” với nhau trên đường đua tranh gay gắt. Nguồn vốn bên nào mạnh hơn thì người đó dẫn trước và dĩ nhiên bên mạnh sẽ dễ dàng dẫn dắt, chi phối giá thu mua ngành hàng chiến lược này để xuất khẩu.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (SIMEXCO DAKLAK) nhận định như vậy và cho biết, lượng hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước vào cuối niên vụ cà phê 2023 cho đến nay giảm 50% so với cùng kỳ do lượng hàng trong kho cạn dần, chủ yếu nằm trong các nhà xuất khẩu FDI. Dẫn đến thực trạng này là vì các  doanh nghiệp FDI giàu tiềm lực tài chính hơn nên họ đã “làm giá” thu mua cà phê từ các đại lý, hợp tác xã bao giờ cũng cao để có lượng hàng nhiều hơn so với các doanh nghiệp trong nước. Điều đó dễ nhận thấy trên thị trường mua bán cà phê ở Đắk Lắk trong niên vụ vừa qua. Hằng năm sản lượng cà phê ở đây đạt trên dưới 520.000 tấn và trong số đó có hơn 380.000 tấn được xuất khẩu ra thị trường 64 quốc gia, vùng lãnh thổ. Số lượng cà phê được xuất khẩu ấy, khoảng 60% thuộc về 3 doanh nghiệp FDI, số còn lại là của 5 doanh nghiệp nội địa.

Điều đáng nói hơn là số doanh nghiệp FDI tham gia thu mua cà phê trên địa bàn Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung ngày càng tăng lên, đến nay đã có ít nhất 8 doanh nghiệp (bao gồm Công ty Cà phê Ngon, Chi nhánh Công ty Louis Dreyfus Commodities, Công ty Dakman, Công ty Amazaro Việt Nam, Chi nhánh Công ty Newman Group, Chi nhánh Công ty Olam Việt Nam, Chi nhánh Công ty Hà Lan Việt Nam và Chi nhánh Công ty Vĩnh An). Với sự gia tăng về số lượng, các doanh nghiệp FDI cũng từng bước chiếm lĩnh thị trường thu mua và xuất khẩu cà phê tại vùng nguyên liệu trọng điểm này. Theo Sở Công Thương, nếu như vào những năm 2010 – 2020, thị phần thu mua cà phê của các doanh nghiệp FDI chiếm từ 30 – 40%, thì đến nay đã tăng lên hơn 60%. Phải thừa nhận rằng, các doanh nghiệp FDI đã tạo ra cuộc cạnh tranh về giá và người trồng cà phê được hưởng lợi, nhưng về lâu dài khi họ đã loại bỏ được các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước thì sẽ quay lại “làm giá” ngay tại thị trường cà phê Việt Nam. Điều này đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, nếu không có biện pháp kịp thời bảo vệ doanh nghiệp trong nước thì thị trường cà phê Việt Nam sẽ rơi vào tay các doanh nghiệp FDI. 

Công nhân Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk đóng gói cà phê nhân để xuất khẩu. Ảnh: Vạn Tiếp

Chính sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp FDI đã đẩy nhiều doanh nghiệp nội địa kinh doanh ngành hàng chiến lược này vào thế khó khăn, thậm chí phá sản. Vậy làm cách nào để giúp các doanh nghiệp trong nước lấy lại nội lực để cạnh tranh trên đường đua thu mua và xuất khẩu cà phê hiện nay? Theo phân tích, đánh giá của các chuyên gia: Điểm mạnh nhất của các doanh nghiệp FDI cũng chính là điểm yếu nhất của doanh nghiệp trong nước. Đó là các doanh nghiệp FDI có lợi thế về nguồn vốn rất lớn, được hưởng mức lãi suất cho vay của nước sở tại thấp; trong khi các doanh nghiệp nội địa khó tiếp cận được vốn vay do chính sách thắt chặt tiền tệ, hoặc nếu có vay được cũng phải chịu lãi suất cao.

Trước những nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm phục hồi kinh tế của Ngân hàng Nhà nước, từ cuối năm 2022 đến nay, sau 4 lần liên tiếp điều chỉnh lãi suất tiền gửi và cho vay, các doanh nghiệp trong nước vẫn gặp khó khăn về việc huy động dòng vốn để thu mua và xuất khẩu cà phê trong bối cảnh giá cà phê ở mức đỉnh lịch sử như hiện nay. Có thể thấy sự chênh lệch dòng vốn giữa hai bên (doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước) tại thời điểm giá cà phê cao khiến việc xuất khẩu cà phê từ Việt Nam ra quốc tế vẫn được tính vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng như tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm, nhưng những tác động thực sự về kinh tế và lợi ích mang lại cho người dân trong nước vẫn còn rất hạn chế.

Hy vọng, với nỗ lực khơi thông tín dụng và xu hướng hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước của Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn hiện nay cũng như sắp tới sẽ mở ra cơ hội cạnh tranh cao hơn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy và tiếp sức các doanh nghiệp trong nước trên "đường đua" xuất khẩu cà phê Việt Nam ra thị trường thế giới.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.