Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột: Nhiều "điểm nghẽn" cần tháo gỡ
Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk mặc dù được quan tâm triển khai thực hiện, song hiện nay vẫn còn nhiều "điểm nghẽn" cần tháo gỡ.
Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đi qua tỉnh Đắk Lắk dài gần 84 km, trong đó Dự án thành phần 2 (do Ban Quản lý dự án 6 – Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư) dài 35,6 km; Dự án thành phần 3 (do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư) dài 48,09 km.
Hàng trăm héc-ta đất rừng chờ chuyển mục đích sử dụng
Dự án thành phần 2 có tổng diện tích đất thuộc diện thu hồi lớn, với hơn 317 ha, trong đó có hơn 135 ha đất rừng sản xuất phải chuyển mục đích sử dụng. Cụ thể, huyện M’Drắk có hơn 59 ha, huyện Krông Bông có hơn 75 ha và huyện Ea Kar có 0,83 ha cần phải chuyển mục đích sử dụng rừng.
Tuy nhiên, hiện nhiều thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng vẫn chưa được hoàn thiện gồm: Phê duyệt phương án trồng rừng thay thế; phê duyệt phương án bồi thường rừng; phê duyệt phương án khai thác thực vật rừng thông thường để phục vụ thu hồi phần diện tích đất có rừng.
Thi công Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua huyện Krông Pắc. |
Ông Dương Đình Mạnh, Giám đốc Ban điều hành gói thầu số 1 thuộc Dự án thành phần 2 cho biết, hiện nay, nhiều vị trí mặt bằng xen kẹp không thể tiếp cận để thi công do tiến độ thu hoạch lâm sản còn chậm so với phương án được duyệt. Bên cạnh đó, 1,3 km đất rừng tự nhiên chưa có quyết định chuyển đổi gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.
Về các mỏ vật liệu, đại diện liên danh nhà thầu cho biết, nguồn vật liệu cát khan hiếm, một số mỏ cát được quy hoạch cho dự án nhưng chưa được cấp phép khai thác, một số mỏ chưa đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn để thi công. Ngoài ra, một số vị trí bãi thải chưa có đường tiếp cận khiến việc vận chuyển đổ thải khó khăn.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 Phạm Văn Trình cũng thông tin, trong ba gói thầu của Dự án thành phần 2, có gói thầu số 3 (đoạn Km 54+500 – Km 69+500) địa hình rất phức tạp, mặc dù đã triển khai thi công từ ngày 18/6/2023 nhưng phạm vi mặt bằng bàn giao rất hạn chế nên tổ chức thi công gặp khó khăn; đặc biệt, đối với một số hạng mục mang tính chất đường găng của gói thầu như hầm Chư Te và hai cửa hầm cấp đặc biệt. Bên cạnh đó, một số phạm vi đã được bàn giao mặt bằng nhưng bàn giao xen kẹp nên việc tiếp cận để tổ chức thi công dự án rất khó.
Đồng hành cùng địa phương gỡ vướng
Không chỉ vướng đối với phần diện tích đất thu hồi cần chuyển mục đích sử dụng rừng, hai dự án thành phần qua tỉnh Đắk Lắk hiện cũng đang gặp khó đối với thủ tục liên quan đến mỏ vật liệu, bãi đổ thải.
Đơn cử như Dự án thành phần 3, hiện nay các nhà thầu thi công gói số 1 và gói số 2 đã hoàn thiện hồ sơ khu vực đăng ký công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa có hướng dẫn triển khai thủ tục xác nhận theo cơ chế đặc thù (Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 và Nghị quyết số 16-NQ/CP ngày 27/1/2024). Còn gói thầu số 3 chưa được chấp thuận chủ trương khảo sát xác định về chất lượng, trữ lượng, thu thập số liệu thông tin đối với khu vực làm vật liệu xây dựng thông thường đối với mỏ đá, mỏ đất tại buôn Yông B, xã Ea Drơng (huyện Cư M’gar).
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cùng Đoàn công tác kiểm tra tình hình thực hiện Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh đánh giá cao sự vào cuộc của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh trong công tác giải phóng mặt bằng của dự án cao tốc, đặc biệt là Dự án thành phần 3. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số nhiệm vụ chưa thật sự chủ động, do vậy yêu cầu các sở, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình linh hoạt giải quyết những vướng mắc, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND tỉnh xem xét, tháo gỡ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, hiện nay đang thời điểm mùa khô, rất thuận lợi cho công tác thi công công trình, do đó những vướng mắc còn tồn tại cần tập trung tháo gỡ trong tháng ba.
Mới đây, tại buổi làm việc với UBND tỉnh về Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, hiện nay, không chỉ Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột mà hàng loạt dự án trọng điểm trên phạm vi cả nước bị vướng về mỏ vật liệu xây dựng. Thậm chí hàng loạt công trình ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ phải dừng thi công do thiếu vật liệu xây dựng, buộc phải sang Campuchia để mua cát, sỏi phục vụ dự án. Về những khó khăn, vướng mắc đối với Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Bộ sẽ đồng hành cùng địa phương tìm giải pháp tháo gỡ. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư dự án, nhất là đối với Dự án thành phần 2 chỉ đạo các đơn vị thi công xác định mỏ vật liệu ở vị trí nào, hoàn thiện hồ sơ để kịp thời báo cáo cơ quan liên quan tham mưu giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc