Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể

06:58, 05/03/2024

Nhằm giúp nông dân nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân huyện Krông Búk đã triển khai những cách làm sáng tạo, linh hoạt để khuyến khích nông dân chủ động đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể.

Hiệu quả từ tổ, hội nghề nghiệp

Năm 2020, Hội Nông dân xã Cư Kbô triển khai xây dựng dự án cải tạo và chăm sóc cây cà phê, với 17 thành viên; dự án được hỗ trợ vay 600 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh. Kết quả, sau ba năm, bình quân thu nhập của các thành viên tham gia dự án đạt hơn 172 triệu đồng/hộ/năm; tổng lợi nhuận của dự án hơn 5 tỷ đồng. Nhận thấy hiệu quả từ việc tham gia vào sản xuất theo nhóm hộ, các thành viên trong dự án cải tạo và chăm sóc cà phê đã liên kết, góp vốn thành lập Tổ Hội nghề nghiệp trồng và cải tạo cà phê Cư Kbô, áp dụng các kỹ thuật canh tác khoa học vào sản xuất, mang lại sản lượng, chất lượng ngày càng tăng.

Tương tự, Tổ chi hội nghề nghiệp thôn 3 (xã Tân Lập) có 56 thành viên, với hơn 30 ha đất sản xuất nông nghiệp chuyên trồng sầu riêng, cà phê. Năm 2019, Tổ chi hội nghề nghiệp được Hội Nông dân huyện hỗ trợ vay 500 triệu đồng để phát triển dự án trồng, chăm sóc sầu riêng theo hướng VietGAP.

Ông Võ Hồng Bình, Tổ trưởng Tổ chi hội nghề nghiệp thôn 3 cho biết, nhằm phát huy hiệu quả vốn vay, tổ đã bình chọn 10 thành viên khó khăn trao vốn hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ để trồng và chăm sóc cây sầu riêng. Đồng thời, phối hợp với Hội Nông dân xã Tân Lập thường xuyên kiểm tra, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng. Nhờ đó, đến cuối năm 2022, từ nguồn vốn ban đầu, 10 thành viên tham gia dự án đã trở thành triệu phú từ vườn chuyên canh sầu riêng và hoàn vốn trước thời hạn.

Đại diện Hội Nông dân huyện Krông Búk và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện trao vốn cho các dự án phát triển kinh tế.

Tính đến đầu năm 2024, thông qua Hội Nông dân, hội viên nông dân huyện Krông Búk đã thành lập 17 dự án phát triển kinh tế, với tổng nguồn vốn hơn 3,8 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 17 tổ, chi hội nghề nghiệp triển khai thực hiện. Trong đó, có 13 dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện (hơn 2 tỷ đồng) và 4 dự án từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp Trung ương và tỉnh (1,8 tỷ đồng). Các dự án chủ yếu đầu tư phát triển chăn nuôi bò sinh sản, dê sinh sản, cải tạo và chăm sóc cà phê, cải tạo và chăm sóc sầu riêng xen mắc ca, cải tạo và chăm sóc cây sầu riêng, sản xuất tiêu thụ hành tăm…

 

“Phát triển kinh tế tập thể có vai trò hết sức quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương” - Trần Thị Tuyến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Búk.

Không chỉ vậy, Hội Nông dân huyện Krông Búk đã nhận ủy thác vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, quản lý 58 tổ tiết kiệm và vay vốn, với tổng dư nợ gần 130 tỷ đồng, cho 2.372 hộ thành viên vay vốn; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Krông Búk thành lập, quản lý và phát triển 15 tổ liên kết vay vốn, với dư nợ hơn 9,1 tỷ đồng, cho 98 hộ vay, đến nay còn duy trì tốt 11 tổ liên kết vay vốn, dư nợ hơn 4,1 tỷ đồng cho 36 hộ vay.

Tăng sức hút của kinh tế tập thể

Bà Trần Thị Tuyến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Búk thông tin, hoạt động của tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp chủ yếu tập trung vào trao đổi thông tin, thời tiết nông vụ, về thị trường, giá cả, thiết bị vật tư nông nghiệp, các loại cây, con giống, phòng trừ dịch bệnh; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thủ tục vay vốn và cách thức sử dụng hiệu quả vốn vay; giúp các hộ thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Nhiều mô hình đi vào hoạt động hiệu quả đã gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị của hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh; hình thành chuỗi liên kết giá trị bền vững; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sinh hoạt hội.

Hoạt động của chi, tổ hội nghề nghiệp đã tạo cơ sở, nền tảng vững chắc cho việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, khắc phục những tồn tại, hạn chế cơ bản trong hoạt động của hội tại cơ sở, từng bước đa dạng hóa hình thức hoạt động, sinh hoạt của Hội Nông dân theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực của hội viên.

Mô hình chăn nuôi dê sinh sản thuộc dự án chăn nuôi của Hội Nông dân xã Tân Lập (huyện Krông Búk).

Dù vậy, công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp vẫn còn một số tồn tại, như: nhận thức của người nông dân về kinh tế tập thể còn hạn chế; tính liên kết, hợp tác giữa các thành viên tổ hợp tác chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả; quy mô sản xuất của các hộ vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún; việc xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiêu biểu có lúc chưa kịp thời, chưa tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên, nông dân…

Để khắc phục những tồn tại trên nhằm tăng sức hút cho hội viên, Hội Nông dân huyện Krông Búk đã tích cực vận động hội viên, nông dân thực hiện liên kết sản xuất theo các hình thức kinh tế tập thể, nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, như: GlobalGAP, VietGAP. Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa; tạo điều kiện, hướng dẫn, khuyến khích nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp… tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ nông nghiệp, ngày hội khởi nghiệp, đưa nông sản, sản phẩm tiêu biểu của địa phương lên sàn thương mại điện tử, chợ nông sản... để mở rộng thị trường và quảng bá sản phẩm. “Đặc biệt, đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, có đủ năng lực, kỹ năng, trình độ tham gia vào chuyển đổi sản xuất nhằm tạo những hạt nhân dẫn dắt hội viên nông dân thay đổi phương thức sản xuất, tăng thu nhập”, bà Tuyến cho hay.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.