Multimedia Đọc Báo in

Huyện M’Drắk: Nông dân sốt ruột vì thu hoạch mía chậm

07:34, 19/03/2024

Đến nay, huyện M’Drắk mới thu hoạch được hơn 50% diện tích mía niên vụ 2023 - 2024. Tiến độ thu hoạch quá chậm khiến nông dân trồng mía lo lắng bởi có thể ảnh hưởng đến năng suất, trữ lượng đường và tiến độ giải phóng đất tái vụ theo kế hoạch.

Gia đình ông Y Sem Byă (ở buôn Hoang, xã Krông Jing) có hơn 2 ha mía giống K3 năm thứ nhất. Với diện tích này, nếu dồn nhân công thu hoạch, gia đình chỉ mất một ngày, nhưng nay phải chặt rải rác kéo dài 5 ngày để chờ xe vận chuyển. Dù đã phải kéo dài lịch thu hoạch, chặt xong, mía lại tiếp tục phơi trên bãi khiến ông Y Sem đứng ngồi không yên.

Niên vụ trước, gia đình thu được 130 tấn mía, với giá bán 1.050.000 đồng/tấn (trữ lượng đường 10 CCS) mang lại thu nhập sau khi trừ chi phí là 50 triệu đồng. Năm nay, do công tác thu mua của các nhà máy gặp nhiều khó khăn, tiến độ thu mua chậm, mía chặt chất thành đống giữa trời nắng chói chang khiến mía bị nhẹ cân, giảm sản lượng và trữ lượng đường.

Anh Y Sem lo lắng nhẩm tính: Xe chở trung bình 17 - 18 tấn, ngày được hai xe, mỗi ngày mía phơi ngoài bãi nắng, hao hụt phải cả tấn, chưa tính giảm trữ đường, gây thiệt hại cho người trồng mía.

Nông dân xã Cư Prao thu hoạch mía.

Tình trạng vận chuyển chậm cũng đang khiến nông dân trồng mía xã Cư Prao sốt ruột. Xã Cư Prao là địa phương có diện tích mía nguyên liệu lớn thứ hai của huyện M’Drắk, cung cấp cho các nhà máy mía đường Ninh Hòa (Khánh Hòa), Cư Jút (Đắk Nông), 333 (Đắk Lắk)... Niên vụ 2023 - 2024, xã Cư Prao có hơn 2.000 ha mía.

Tuy nhiên, đến nay, toàn xã chỉ mới thu hoạch được hơn 500 ha, đạt 25% diện tích; năng suất mía ước đạt bình quân 79 tấn/ha. Ông Y Ji Niê Kđăm, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Prao cho biết: Dù đã bắt đầu thu hoạch từ sau Tết nhưng đến nay, hầu hết diện tích mía đến kỳ thu hoạch vẫn phải chờ xe vận chuyển; tiến độ thu hoạch chậm khiến việc làm đất để xuống giống niên vụ mới chậm theo.

 Huyện M’Drắk hiện có 6.347 ha mía niên vụ mía 2023 – 2024 đang ở thời kỳ thu hoạch, chủ yếu sử dụng các giống: KK3, K95-84. Trong đó: xã Ea Pil 2.730 ha, Cư Prao 2.000 ha, Krông Jing 600 ha, Krông Á 525 ha, Ea Lai 240 ha, Cư M’ta 140 ha, Ea Trang 110 ha…

Đến nay, toàn huyện đã thu hoạch 3.299 ha, mới đạt gần 52% diện tích, năng suất ước đạt trên 77,8 tấn, tổng sản lượng ước 494 ngàn tấn. Nguyên nhân việc thu hoạch chậm là do xe vào vận chuyển mía gặp khó khăn, nhất là tại diện tích vùng nguyên liệu cho Nhà máy đường Ninh Hòa (Khánh Hòa).

Trước thực trạng trên, nông dân trồng mía đang rất mong chính quyền địa phương tích cực làm việc với các đơn vị đầu tư vùng nguyên liệu tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn; tăng cường phương tiện vận chuyển để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía niên vụ 2023 - 2024.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.