Multimedia Đọc Báo in

Ngành mía đường: Nan giải "bài toán" thiếu nguyên liệu

08:31, 14/03/2022

Những năm gần đây, giá đường tăng lên giúp các nhà máy đường giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp mía đường lại đối mặt với bài toán nan giải là tình trạng thiếu nguyên liệu mía phục vụ sản xuất.

Nhiều nhà máy "khát" nguyên liệu

Công ty Cổ phần Mía đường 333 có nhà máy chế biến đường tinh luyện công suất 3.500 tấn mía/ngày. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất bền vững của nhà máy thì diện tích mía của công ty phải ổn định ở mức 7.000 – 7.500 ha, tương đương với sản lượng mía cây 400.000 – 450.000 tấn/năm. Thực tế, vùng nguyên liệu mía của nhà máy cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt với diện tích 11.850 ha tại hai huyện Ea Kar và M’Drắk. Tuy nhiên, lâu nay doanh nghiệp luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu mía.

Cụ thể, những năm trước đây, bình quân mỗi năm công ty thu mua mía trên diện tích vùng nguyên liệu 6.500 ha, với sản lượng 350.000 - 380.000 tấn; niên vụ 2020 – 2021, diện tích mía chỉ đạt 4.500 ha, tương đương sản lượng 280.000 tấn; niên vụ 2021 – 2022, diện tích mía đạt khoảng 5.000 – 5.500 ha, tương đương 300.000 tấn. Ông Lê Tuân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường 333 cho biết, thời gian qua, công ty rất quan tâm đến việc phát triển nguyên liệu mía để phục vụ sản xuất.

Người dân xã Cư M'lan, huyện Ea Súp thu hoạch mía niên vụ 2021 - 2022.

Doanh nghiệp đầu tư cho người trồng mía về phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật… với tổng kinh phí 35 triệu đồng/ha. Mía của người dân được đơn vị bao tiêu với giá thấp nhất 900.000 đồng/tấn, niên vụ này đạt hơn 1,1 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, thời gian qua, nhà máy luôn thiếu khoảng 100.000 – 150.000 tấn mía/năm. Do thiếu nguyên liệu nên đơn vị phải rút ngắn vụ ép, nhà máy chỉ vận hành 70% công suất, sản lượng giảm 30% so với trước đây. Nguyên nhân tình trạng thiếu nguyên liệu mía là những năm gần đây, giá mía có thời điểm xuống thấp nên người dân chuyển sang cây trồng khác. Hơn nữa, khu vực phía đông của tỉnh có nhiều nhà máy đường ngoài tỉnh cùng đến mua nguyên liệu mía.

 
Nguyên liệu chiếm đến 70 - 80% giá thành sản xuất đường, do đó, để phát triển sản xuất bền vững, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm đường và nâng cao thu nhập cho người trồng mía thì vấn đề quan trọng nhất là phải giảm tối đa chi phí sản xuất và tăng năng suất mía”.
 
Ông Lê Tuân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường 333

Cũng trong tình cảnh thiếu nguyên liệu sản xuất là nhà máy đường của Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk. Công ty hiện có 2.800 ha mía tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn và Cư Prông (tỉnh Gia Lai). Những diện tích mía này của người dân được công ty đầu tư vốn 30 - 32 triệu/ha (cày đất, công trồng mía, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), nếu trồng mới thì hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/ha. Người dân chăm sóc theo kỹ thuật và thời vụ của nhà máy và được thu mua sản phẩm với mức thấp nhất 850.000 đồng/tấn bất kể giá thị trường thấp hơn, trong niên vụ này giá thu mua 1 triệu đồng/tấn. Với năng suất mía vùng này đạt 60 - 65 tấn/ha, mỗi năm sản lượng mía của công ty đạt 150.000 tấn. Tuy nhiên, công suất của nhà máy 2.500 tấn/ngày, vụ ép thông thường 100 ngày/năm, thì nhu cầu nguyên liệu phải đạt 250.000 tấn mía. Tính ra, nhà máy còn thiếu 100.000 tấn/năm mới có thể hoạt động hết công suất chạy máy cả vụ ép. Ông Nguyễn Bảo Lộc, Phó Giám đốc công ty cho biết, hằng năm đơn vị đều có kế hoạch phát triển thêm diện tích mía nhưng gặp nhiều khó khăn vì thực tế cây mía mới được trồng ở đây chưa lâu, khó cạnh tranh được so với lúa và một số cây trồng khác.

Để phát triển bền vững nguyên liệu

Theo định hướng đến năm 2030, diện tích mía toàn tỉnh sẽ ổn định ở mức 17.000 ha, sản lượng đạt hơn 1,3 triệu tấn/năm. Với quy hoạch này thì các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh không phải lo lắng về chuyện thiếu nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, những năm qua, diên tích mía không ổn định. Cụ thể, thời điểm năm 2018, diện tích mía toàn tỉnh đạt 20.248 ha. Tuy nhiên, thời điểm này chỉ còn hơn 12.265 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Kar, Ea Súp, M’Drắk, Krông Bông, Buôn Đôn, Krông Ana... Nguyên nhân khiến diện tích mía sụt giảm là mấy năm gần đây, giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng, trong khi giá mía giảm nên nhiều nông dân chuyển sang trồng cây khác. Bên cạnh đó, người trồng mía hiện không biết được giá trị thực mà họ làm ra, do chưa có chưa có cơ chế minh bạch đánh giá chất lượng mía đưa về các nhà máy, nên nhiều người không mấy mặn mà với cây trồng này.

Tập kết mía vào sản xuất tại Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk.

Theo các doanh nghiệp mía đường, nhằm phát triển bền vững nguyên liệu mía đường, địa phương cần rà soát, xây dựng vùng sản xuất mía tập trung; hướng dẫn hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang trồng mía tại những vùng đất canh tác cây trồng khác hiệu quả không cao; đẩy mạnh việc hình thành các hợp tác xã trong ngành mía đường để bảo đảm quyền lợi cho người trồng mía.

Về phía các nhà máy đường, giải pháp có tính lâu dài và bền vững được đưa ra là củng cố chuỗi liên kết với nông dân một cách đồng bộ từ quy hoạch, sản xuất, tiêu thụ. Trên vùng nguyên liệu, các nhà máy cũng sẽ đưa ra chính sách khuyến khích người trồng mía áp dụng cơ giới hóa, cải thiện giống mía, quy trình canh tác và sử dụng phân bón hợp lý, hiệu quả theo hướng giảm các loại phân vô cơ, tăng các loại phân hữu cơ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mía.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.