Multimedia Đọc Báo in

Tập trung nguồn lực triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024

17:51, 06/03/2024

Chiều 6/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tới các đơn vị địa phương trong toàn quốc.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân truyền đạt các nội dung cơ bản của Luật Đất đai năm 2024. Theo đó, Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ năm thông qua ngày 18/1/2024 với 16 chương, 260 điều.

Luật Đất đai 2024 có những điểm đáng chú ý như: Cho phép mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất không quá 15 lần thay vì 10 lần như Luật Đất đai 2013; Quy định cụ thể 32 trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất; Bãi bỏ quy định về khung giá đất và ban hành Bảng giá đất hằng năm; Quy định 5 phương pháp định giá đất; Bổ sung Chương VIII về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất; Quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; Quy định cụ thể việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất...

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, riêng Điều 190 và Điều 248 của Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2024.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đề nghị các bộ ngành liên quan, các địa phương vào cuộc khẩn trương và quyết liệt triển khai thực hiện; tập trung nguồn lực, trước hết là cho các quỹ phát triển đất, đảm bảo tạo ra quỹ đất để thực hiện tổ chức đánh giá việc sử dụng đất, xây dựng hạ tầng các khu tái định cư; tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương, kết nối với cơ sở dữ liệu đất đai ở Trung ương, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác; bảo đảm cho Luật Đất đai với các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như các chính sách mới được triển khai thực hiện một cách đồng bộ sau khi Luật có hiệu lực...

Bộ Tài nguyên – Môi trường sẽ đề xuất Chính phủ tập trung nguồn lực thực hiện các nội dung quản lý nhà nước như xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, điều tra đánh giá cơ bản về đất đai, duy trì hệ thống thông tin đất đai... để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ vào quá trình quản lý và tổ chức thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như người dân, doanh nghiệp được thuận lợi nhất, đảm bảo tính khả thi.

     Thúy Hồng       


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.