Multimedia Đọc Báo in

Vươn lên làm giàu từ cây dứa

08:22, 04/03/2024

Năm 2005, gia đình ông Vàng A Chá di cư từ Hà Giang vào thôn Ea Uôl, xã Cư Pui, huyện Krông Bông) lập nghiệp, mang theo quyết tâm làm giàu trên vùng đất mới.

Thời điểm ấy, để phát triển kinh tế, ngoài đất của gia đình, ông Chá còn thuê thêm đất của người dân trong vùng để trồng đủ loại cây trồng từ ngô, sắn đến cà phê, hồ tiêu, bơ… nhưng đều thất bại do đất cằn cỗi, nghèo dinh dưỡng. Không chịu bỏ cuộc, ông tiếp tục tìm hiểu với hy vọng tìm ra loại cây trồng phù hợp với vùng đất nơi đây.

Năm 2016, thấy một số hộ người Mông ở xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) trồng dứa có hiệu quả, ông đã đến tận nơi để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng dứa. Từ số tiền 30 triệu đồng gom góp được để làm vốn, ông đã mạnh dạn mua 15.000 cây dứa giống về trồng thử trên 5 sào đất đồi. Không phụ công vun trồng và chăm sóc, hai năm sau, vườn dứa của gia đình ông đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Mỗi quả dứa đều đạt trọng lượng từ 1,8 – 3 kg, với giá bán từ 10.000 - 15.000 đồng/quả và được thương lái vào tận nơi thu mua.

Ông Vàng A Chá chăm sóc vườn dứa trồng xen sầu riêng của gia đình.

Thấy dứa là loại cây dễ trồng, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp mà lại cho thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng khác nên ông đã quyết định dành toàn bộ 100 triệu đồng thu được từ vụ dứa đầu tiên để mua thêm đất, mở rộng diện tích trồng.

Ông cũng bắt đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác cho dứa ra rải vụ để có thể thu hoạch được quanh năm, tránh được tình trạng tồn đọng, khó tiêu thụ, mất giá khi vào chính vụ. Đến nay, ông Chá đã sở hữu hơn 4 ha đất trồng dứa và trở thành một trong số ít hộ sở hữu diện tích dứa nhiều nhất xã Cư Pui.

Năm 2023, với 2 ha dứa đang cho thu hoạch, gia đình ông thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Từ nguồn thu này, gia đình ông đã có điều kiện sửa sang lại nhà cửa, mua sắm thêm được nhiều vật dụng, phương tiện có giá trị.

“Năm 2024 này, cả 4 ha dứa đều cho thu hoạch, với giá cả ổn định (từ 10.000 - 17.000 đồng/kg) như hiện nay, hy vọng sẽ đem lại vụ mùa bội thu cho gia đình. Hiện, tôi đang đầu tư trồng xen 600 cây sầu riêng trong vườn dứa để phát triển mô hình kinh tế đa cây nhằm nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích đất”, ông Chá chia sẻ.

Ông Vàng A Chá (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng dứa với người dân thôn Ea Uôl.

Ông Sín Chán Páo, Trưởng thôn Ea Uôl (xã Cư Pui) cho biết, thôn có gần 400 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Mông chuyển từ Hà Giang vào sinh sống. Nơi đây có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không được thuận lợi để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, ông Vàng A Chá đã vượt khó vươn lên làm giàu thành công với mô hình trồng dứa. Đồng thời, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân thôn Ea Uôl.

Từ hiệu quả của mô hình trồng dứa của ông Vàng A Chá, đến nay đã có khoảng 100 hộ dân trong thôn mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, đầu tư vốn trồng dứa. Hộ ít thì 2 – 3 sào, nhiều thì 1 – 2 ha. Bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả, giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định và cao gấp 3 - 4 lần so với trồng cây ngô và sắn.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.