Multimedia Đọc Báo in

129 mẫu cà phê đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản năm 2024

20:20, 28/04/2024

Chiều 28/4, tại TP. Buôn Ma Thuột, Ban tổ chức Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2024 đã tổ chức Lễ công bố và trao giải cho các đơn vị có sản phẩm đạt chất lượng cà phê đặc sản theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn; đại diện các đơn vị, sở, ngành liên quan, cùng với đông đảo các nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cà phê trong nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn phát biểu tại Lễ trao giải
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn phát biểu tại Lễ trao giải

Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2024 được phát động từ tháng 9/2023, thu hút 81 đơn vị tham gia đến từ 8 tỉnh trồng cà phê trên cả nước, với 144 mẫu/lô hàng dự thi, tổng sản lượng 255 tấn.

Trải qua nhiều vòng đánh giá khắt khe, Cuộc thi đã xác định được 129 mẫu đạt đặc sản, trong đó cà phê Robusta 83 mẫu và Arabica 46 mẫu. Đồng thời, chọn được top 3 mẫu cà phê đặc sản Robusta và Arabia cao điểm nhất để trao giải.

Vinh danh top 10 mẫu cà phê robusta đạt tiêu chuẩn đặc sản năm 2024.
Vinh danh top 10 mẫu cà phê Robusta đạt tiêu chuẩn đặc sản năm 2024.

Cụ thể: về cà phê Robusta, giải Nhất được trao cho Công ty TNHH Nông nghiệp thực phẩm hữu cơ Việt Nam (tỉnh Lâm Đồng); giải Nhì trao cho Phan Em Coffee tỉnh Đắk Lắk); giải Ba trao cho Công ty Cổ phần The Esfresso Farm (tỉnh Lâm Đồng)

Ban tổ chức trao giải top ba cho các mẫu robusta đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản năm 2024.
Ban tổ chức trao giải top ba cho các mẫu Robusta đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản năm 2024.

Đối với cà phê Arabica, giải Nhất trao cho Công ty TNHH Pun Coffee (tỉnh Quảng Trị); giải Nhì trao cho Công ty TNHH MTV Rẫy rừng - Rẫy rừng coffee (tỉnh Kon Tum); giải Ba trao cho Công ty TNHH Pun Coffee (tỉnh Quảng Trị).

Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải thưởng cho đơn vị Phan Em Coffee (tỉnh Đắk Lắk) có mẫu cà phê Robusta và đơn vị Bui Coffee Supply (tỉnh Lâm Đồng) có mẫu Arabica được yêu thích nhất.

Vinh danh top 10 mẫu cà phê arabica đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản năm 2024.
Vinh danh top 10 mẫu cà phê Arabica đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản năm 2024.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, mặc dù cuộc thi năm 2024 diễn ra trong bối cảnh giá cà phê tăng vọt, thách thức tính bền vững của toàn bộ chuỗi cung ứng, nhưng đây cũng là năm chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc về tất cả các chỉ tiêu liên quan về số mẫu và sản lượng cà phê tham gia thi, tỉ lệ mẫu đạt đặc sản, điểm của mẫu đạt quán quân Robusta…

Ban tổ chức trao giải top ba cho các mẫu arabica đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản năm 2024.
Ban tổ chức trao giải top ba cho các mẫu Arabica đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản năm 2024.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn đã biểu dương những kết quả xuất sắc của cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam 2024”. Hành trình 6 năm của Cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam” với cùng với các hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, đào tạo – tập huấn, quảng bá, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, xuất khẩu cà phê đặc sản Việt Nam với giá trị cao, cho thấy các hoạt động phát triển ngành cà phê đặc sản luôn bám sát những mục tiêu đã xác định.

UBND tỉnh đánh giá cao vai trò tổ chức, kết nối của Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột để có thể duy trì Cuộc thi và các hoạt động phát triển cà phê đặc sản Việt Nam trong suốt 6 năm qua. Mong rằng Hiệp hội tiếp tục sẽ là đơn vị đi đầu tổ chức các sự kiện có ý nghĩa kết nối, quảng bá góp phần hiện thực hóa “Buôn Ma Thuột là thành phố cà phê của thế giới”.

Vinh danh top ba cho các mẫu đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản năm 2024.
Vinh danh các mẫu đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản năm 2024.

Về phía UBND tỉnh, với trách nhiệm chủ sở hữu của Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột, với vai trò chỉ đạo và bảo trợ cho Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam sẽ tiếp tục có những hỗ trợ thiết thực cho các hoạt động phát triển cà phê Buôn Ma Thuột và đặc biệt cho phát triển cà phê đặc sản Việt Nam.

Minh Thuận

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.