Đắk Lắk - mảnh đất níu chân nhà đầu tư
Với mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế của các bên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, những năm qua, tỉnh Đắk Lắk và TP. Hồ Chí Minh đã có những hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Quả ngọt thu hút đầu tư
Từ năm 2010 đến nay, Đắk Lắk đã thu hút trên 50 dự án từ các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh, với tổng vốn đăng ký trên 33.500 tỷ đồng, ở các lĩnh vực năng lượng tái tạo, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, thương mại dịch vụ, giáo dục, cải tạo và phát triển rừng…
Điển hình có các dự án đầu tư có quy mô, tổng vốn lớn như: Nhà máy điện gió Ea Nam (tổng vốn đầu tư khoảng 16.500 tỷ đồng); Trung tâm MM Mega Market (tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng); Trung tâm Thương mại điện máy Nguyễn Kim (tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng). Những dự án này đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 30 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp (DN) TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, hiện nay còn có nhiều nhà đầu tư đến từ TP. Hồ Chí Minh khác đang trong giai đoạn tìm hiểu đầu tư tại tỉnh.
Nhà máy điện gió Ea Nam (huyện Ea H’leo) do nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh đầu tư vào tỉnh Đắk Lắk. |
Để mở rộng hành lang thu hút đầu tư, ngày 29/12/2022, UBND TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã thống nhất ký kết Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025. Các địa phương cũng thống nhất kế hoạch hợp tác cụ thể để triển khai hằng năm.
Thực hiện thỏa thuận này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai từng nội dung cụ thể. Đồng thời, chủ động phối hợp với các đơn vị của TP. Hồ Chí Minh để triển khai hiệu quả những nội dung hợp tác theo kế hoạch chung đã đề ra.
Đắk Lắk cũng thành lập tổ công tác của UBND tỉnh, do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Đồng thời, thành lập tổ giúp việc để chủ động kết nối, phối hợp triển khai kịp thời các công việc chung theo kế hoạch.
Các sở, ngành trong tỉnh cũng đã chủ động chủ trì tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ…; đồng thời, tích cực tham gia các sự kiện do TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên tổ chức.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc triển khai bản thỏa thuận hợp tác nói chung và kế hoạch hợp tác với TP. Hồ Chí Minh bước đầu đã đặt nền móng tích cực cho việc mở rộng quan hệ hợp tác, đầu tư. Đây sẽ là cầu nối để các DN của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên chủ động khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư trong bối cảnh mới.
Hợp tác để phát triển liên vùng
Các tỉnh khu vực Tây Nguyên sở hữu nguồn tài nguyên rừng phong phú, có lợi thế đất đai, đặc biệt là các loại đất phù hợp cho việc trồng cây công nghiệp. Khu vực này có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo và đa dạng về tài nguyên khoáng sản.
Ngoài ra, với hệ thống hồ, thác đa dạng, hệ động, thực vật phong phú cùng với các tiểu vùng có khí hậu ôn hòa, mát mẻ, Tây Nguyên có tiềm năng lớn phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
Đối với Đắk Lắk, là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh đối với khu vực và cả nước.
Nhờ mạng lưới giao thông đường bộ, đường hàng không thuận lợi, dễ dàng kết nối với các trung tâm kinh tế lớn; đồng thời nằm trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam – Lào - Campuchia, Đắk Lắk có điều kiện mở rộng giao lưu với các vùng trong cả nước cũng như hợp tác quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh quan tâm đến tín chỉ carbon rừng tại Đắk Lắk. (Trong ảnh: Một góc rừng Cư H’lăm, huyện Cư M’gar). |
Tỉnh Đắk Lắk luôn xác định môi trường đầu tư là yếu tố hàng đầu, quyết định đến kết quả thu hút đầu tư vào địa phương. Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện các dự án kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đến đầu tư tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, các DN, nhà đầu tư sẽ được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật; được miễn tiền thuê đất từ 7 - 15 năm (tùy thuộc địa bàn và danh mục đầu tư); miễn 25 năm tiền thuê đất và giảm tiền thuê đất đối với các ngành nghề chế biến nông sản, logistic, du lịch văn hóa… trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Bên cạnh đó, theo nghị quyết của HĐND tỉnh, các chuyên gia, nhà khoa học, người tài năng khi đến làm việc được miễn thuế thu nhập cá nhân trong vòng 5 năm từ tiền lương.
Đắk Lắk luôn mong muốn được hợp tác, kết nối, chia sẻ với TP. Hồ Chí Minh để tạo ra được một hệ thống giá trị mang tính kết nối, chuỗi liên kết tương thông, tương đồng để cùng nhau phát triển”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn
|
Theo các DN, liên kết, hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với Đắk Lắk sẽ góp phần giúp địa phương khai thác tốt tiềm năng lớn về nông nghiệp, đồng thời, giúp DN xây dựng và hình thành nên vùng nguyên liệu bền vững gắn với công nghiệp chế biến sản phẩm và xây dựng thương hiệu hàng hóa đạt chuẩn phục vụ thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk là địa bàn trọng điểm về lâm nghiệp, nên các DN TP. Hồ Chí Minh quan tâm lĩnh vực chế biến gỗ rừng trồng và phát triển thị trường tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon rừng sẽ tạo ra kinh tế, đem lại lợi ích cho người dân và môi trường.
Hiện nay, một số DN, nhà đầu thể hiện cam kết sẵn sàng làm cầu nối với các đơn vị mua tín chỉ carbon. Các tổ chức, DN mong lãnh đạo tỉnh tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh thủ tục hành chính, cấp giấy phép…
Mới đây, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên năm 2024 do UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các địa phương vùng Tây Nguyên tổ chức, tỉnh Đắk Lắk đã ký kết 3 bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, tạo ra cơ sở pháp lý cho việc hợp tác và đầu tư trong tương lai giữa TP. Hồ Chí Minh với Đắk Lắk.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn, trong bối cảnh nguồn lực để đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, nguồn vốn ngoài ngân sách sẽ là nguồn lực quan trọng để đầu tư phát triển.
Tỉnh Đắk Lắk cam kết tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí gia nhập thị trường cho DN; tạo những điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu, đầu tư vào địa phương.
Hợp tác, đầu tư với TP. Hồ Chí Minh không chỉ góp phần hoàn thành những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk, mà còn thúc đẩy phát triển toàn vùng Tây Nguyên, liên vùng Tây Nguyên – Đông Nam Bộ, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước trong thời gian tới.
Lê Lan - Minh Chi
Ý kiến bạn đọc