Multimedia Đọc Báo in

Động lực để hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững

07:29, 17/04/2024

Đắk Lắk là tỉnh có tiềm năng lớn phát triển kinh tế nông nghiệp, do vậy từ trước đến nay, số lượng hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các loại hình HTX khác.

Năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 164 HTX nông nghiệp, thu hút 30.260 thành viên tham gia. Sau hơn 10 năm phát triển, tính đến đầu năm 2024, toàn tỉnh có 554 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm hơn 68,9% tổng số HTX, với trên 16.200 thành viên.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Văn Dần cho biết, vốn điều lệ của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tương đối thấp (bình quân khoảng 1 tỷ đồng/HTX), nhưng những năm gần đây đang có xu hướng tăng lên. Đặc biệt hiện nay, việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa HTX với doanh nghiệp đã góp phần tăng nguồn lực hoạt động của HTX. Đơn cử, từ đầu năm 2024, Liên minh HTX tỉnh đã kết nối với một doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp tiêu thụ lúa gạo cho 9 HTX của tỉnh, với diện tích trên 2.000 ha.

Giám đốc HTX Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ tinh dầu và dược liệu Hena Tống Thị Hoài Phương giới thiệu sản phẩm đến khách hàng.

Hiện nay, HTX Nông nghiệp dịch vụ Thăng Bình I (huyện Krông Ana) đang được Liên minh HTX tỉnh kết nối để liên kết tiêu thụ sản phẩm trên diện tích 170 ha lúa. Là một trong những HTX điển hình của huyện Krông Ana, những năm qua, đơn vị đã có bước tiến rõ rệt cả về quyết tâm lãnh đạo, lẫn sự đồng thuận của xã viên và thành viên liên kết.

Theo ông Đoàn Công Bình, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình I, việc khó khăn nhất đối với phát triển một HTX nông nghiệp là quá trình vận động thay đổi tư duy của bà con nông dân, từ sản xuất cá thể nhỏ lẻ, tự phát, sang liên kết sản xuất tập trung, đồng bộ, đúng quy trình, có tổ chức và tuân thủ cam kết trong sản xuất. Để tăng tính thuyết phục tham gia liên kết, nông dân không chỉ được nghe mà phải thấy được hiệu quả của việc liên kết. Vì vậy, tại mỗi vùng sản xuất, HTX lựa chọn một nhóm nông dân tiên phong trong việc chuyển đổi cách làm nông nghiệp mới, không chỉ tuyên truyền người dân sản xuất theo kế hoạch của HTX, mà còn tập trung hỗ trợ bà con vật tư sản xuất, dịch vụ trồng trọt với giá thấp hơn thị trường, chuyển giao khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn. Nhờ vậy, HTX đã mở rộng thành công vùng liên kết, sản xuất theo hướng bền vững. Đây là nền tảng để HTX phát triển về cả quy mô và năng lực hoạt động. Sau 40 năm hoạt động, HTX đã có tổng diện tích 653 ha, vốn điều lệ trên 6 tỷ đồng, với 22 thành viên chính thức và thu hút hơn 700 thành viên liên kết.

Đội ngũ nhân sự nhạy bén được coi là “chìa khóa” để xây dựng được một HTX có nội lực mạnh, nắm bắt các cơ hội thị trường, khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất và kinh doanh. Tuy mới thành lập được ba năm nhưng có ưu thế là đội ngũ nhân sự có trình độ ở nhiều ngành nghề, trẻ, năng động... đã giúp HTX Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ tinh dầu và dược liệu Hena gặt hái được nhiều thành công.

Liên minh HTX tỉnh tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm cho các HTX trên địa bàn tỉnh.

Ban đầu, HTX tập trung vào kinh doanh tinh dầu và dầu ép lạnh được sản xuất tại huyện Cư M’gar và Ea H’leo. Nhận thấy Đắk Lắk có vùng nguyên liệu dồi dào, từ tháng 3/2023, HTX mở rộng thêm ngành hàng nông sản khô và tươi. Sau ba năm hoạt động, HTX đã có nhiều thay đổi về cơ cấu thành viên, vùng trồng, quy mô sản xuất và mạng lưới bán hàng. Đến nay, HTX từng bước kiện toàn bộ máy quản lý điều hành hoạt động, với 10 lao động thường xuyên, 120 lao động thời vụ, 2 tổ đội sản xuất và 1 tổ hợp tác thành viên, có 45 thành viên liên kết, trong đó có 38 thành viên là người dân tộc thiểu số. HTX đã xây dựng phát triển thành viên, mở rộng được nhiều vùng liên kết sản xuất ổn định cả trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần Cà phê Thuận An (tỉnh Đắk Nông), với tổng diện tích liên kết lên đến trên 100 ha. Trong đó, diện tích liên kết trồng nguyên liệu tăng từ 3 ha lên 57 ha. Bước đầu hỗ trợ cây giống và vật tư cho bà con nông hộ liên kết với HTX.

Giám đốc HTX Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ tinh dầu và dược liệu Hena Tống Thị Hoài Phương cho hay, hiện đơn vị đã đầu tư trang thiết bị, phương tiện, máy móc phục vụ sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến sâu tinh dầu và dầu ép lạnh công suất 1 tấn/ngày, với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. HTX từng bước tiếp cận, kết nối với nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh về cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra; xây dựng và tham gia hoàn thiện hồ sơ chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh trong năm 2024.

Ngày 18/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu nghị quyết đề ra, các HTX nông nghiệp sẽ trở thành "mắt xích" quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản... tại từng địa phương.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.