Khơi dậy tiềm năng bằng môi trường đầu tư thuận lợi
Đắk Lắk đã và đang tạo niềm tin với nhiều nhà đầu tư bằng những chính sách, cơ chế hấp dẫn, thông thoáng, xây dựng một môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, chất lượng và có khả năng cạnh tranh cao. Đây là những nhân tố quan trọng nhằm cải thiện "hình ảnh" cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh của Đắk Lắk để tiếp tục kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư.
Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk có cuộc trao đổi với ông VÕ NGỌC TUYÊN, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
* Quan điểm xây dựng tỉnh Đắk Lắk phát triển nhanh và bền vững trên cả ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường được nêu rõ trong Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ở góc độ môi trường đầu tư, đâu là “điểm cộng” thể hiện những nỗ lực và quan tâm của tỉnh cho công tác này, thưa ông?
Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1747/QĐ-TTg, ngày 30/12/2023 xác định rõ: định hướng kêu gọi, thu hút đầu tư tập trung vào việc tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi và cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư, đề ra các biện pháp cải cách hành chính, tăng cường quyền lợi và bảo vệ các nhà đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, thúc đẩy sự đa dạng hóa kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch.
Trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk luôn chú trọng công tác thu hút, kêu gọi đầu tư và xác định môi trường đầu tư là yếu tố hàng đầu, quyết định đến kết quả thu hút đầu tư vào địa phương. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư, tỉnh ngày càng chủ động, chuyên nghiệp hơn trong chuỗi hoạt động xúc tiến. Cụ thể, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương tham mưu tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách, hoàn thiện các quy định của pháp luật; quyết tâm đẩy mạnh, liên tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, đồng hành, hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn. Tỉnh cũng đã chủ động hoàn thiện lập và phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung phát triển đô thị, nhất là các phương án sử dụng đất của các nông, lâm trường chuyển về cho địa phương quản lý làm cơ sở để cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án đề xuất đầu tư trên địa bàn tỉnh.
“Điểm cộng” hấp dẫn hơn của môi trường đầu tư ở Đắk Lắk phải kể đến việc tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH), phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Đơn cử, tỉnh chú trọng đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm để thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt là đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường vành đai phía Đông TP. Buôn Ma Thuột, nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại cửa khẩu Đắk Ruê, Dự án Khu công nghiệp Phú Xuân. Cùng với đó là việc xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư bài bản; xây dựng và công bố các danh mục dự án thu hút đầu tư để làm cơ sở cho các nhà đầu tư quan tâm đề xuất thực hiện dự án...
Nhà máy thủy điện Buôn Tua Sar. Ảnh: Minh Thông |
* Thưa ông, những “điểm cộng” có được từ nỗ lực này đã thu hái thành quả như thế nào trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh?
Với việc tạo ra những điểm nhấn riêng biệt, hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư lớn đã tin tưởng quyết định đầu tư vào tỉnh. Trong ba năm (2021 - 2023), thu hút đầu tư toàn tỉnh đạt gần 113.000 tỷ đồng, chiếm 35% tổng GRDP theo giá hiện hành; có khoảng 3.911 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 53.350 tỷ đồng, nâng tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 12.775 đơn vị. Cũng trong ba năm qua, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư 31 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 11.672 tỷ đồng; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư 75 dự án, xem xét lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá 8 dự án, xem xét lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu 6 dự án. Như vậy, cả huy động vốn và dự án mới đều tăng mạnh, điều này cho thấy dòng vốn đã được “chuyển đổi” thành nhà máy, dây chuyền sản xuất, các dự án đầu tư vào sản xuất - kinh doanh phục vụ sự tăng trưởng KT-XH của tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.
Hết quý I/2024, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 3 dự án với tổng số vốn đăng ký lên đến 179,38 tỷ đồng; điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án; thống nhất tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu một dự án đầu tư. Một tín hiệu tích cực nữa là có 30 nhà đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh, trong đó có một nhà đầu tư nước ngoài là Công ty Cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam, 29 nhà đầu tư trong nước. Diễn biến này rất ấn tượng, thậm chí còn cao hơn những dự báo lạc quan trong bối cảnh cuộc đua mời gọi đầu tư ngày càng quyết liệt.
* Xu hướng chuyển đổi số và tăng trưởng xanh sẽ đặt ra bài toán, đường hướng nào trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh, thưa ông?
Xu hướng chuyển đổi số và tăng trưởng xanh đang ngày càng trở nên quan trọng trên toàn cầu, quốc gia và tỉnh Đắk Lắk không ngoại lệ. Với tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động dồi dào là cơ hội để tỉnh phát triển nhanh, bền vững thông qua việc kết hợp chuyển đổi số và tăng trưởng xanh. Do đó, yêu cầu đặt ra của tỉnh là việc triển khai thực hiện các chính sách thu hút đầu tư không chỉ tập trung vào đảm bảo mục tiêu kinh tế mà còn đảm bảo đạt được các mục tiêu về xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng.
Để tăng cường thu hút đầu tư, đặc biệt là chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, tỉnh Đắk Lắk cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp như: nâng cao cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh liên kết vùng, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo và nông nghiệp xanh; tập trung vào việc thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tiên tiến nhằm đưa Đắk Lắk trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, đồng thời góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
* Xin cảm ơn ông!
Đỗ Lan (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc