Multimedia Đọc Báo in

Kinh nghiệm từ Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

10:32, 10/04/2024

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 (gọi tắt là Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột) là một dự án lớn và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên cũng như cả nước nói chung.

Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài khoảng 117,5 km, được chia làm ba dự án thành phần. Riêng dự án thành phần 3 có chiều dài khoảng hơn 48 km, do UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản, mức đầu tư hơn 6.165 tỷ đồng, với tổng số mặt bằng cần giải phóng gần 333 ha. Trong khi công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đang là “nút thắt” của nhiều dự án thì Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột lại “về đích” sớm. Dù mới khởi công từ tháng 6/2023, nhưng đến nay dự án đã hoàn thành GPMB được khoảng 98% để bàn giao cho đơn vị thi công. Dự án đi qua ba huyện Ea Kar, Krông Pắc và Cư Kuin, đến nay đã có 2/3 địa phương hoàn thành 100% công tác GPMB.

Nhờ đảm bảo tiến độ từ công tác GPMB đến thi công mà tỷ lệ giải ngân của dự án cũng rất “lý tưởng”. Năm 2023, dự án đã giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao (hơn 699 tỷ đồng). Bước sang năm 2024, dự án được giao 820 tỷ đồng, đến nay cũng đã giải ngân được 36,5%, cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh và cao hơn nhiều dự án trọng điểm khác.

Thi công Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 đoạn qua địa bàn huyện Krông Pắc.

Theo đánh giá của đại diện chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh, dự án này đạt được tiến độ GPMB đề ra là nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân các địa phương có diện tích đất trong vùng dự án. Để nhận được sự ủng hộ trên thì công tác “mở đường dư luận” được xem là tác động chính yếu.

Ghi nhận sự nỗ lực trên, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định tặng Bằng khen 6 tập thể và 13 cá nhân ở các cơ quan, ban, ngành, địa phương vì đã có nhiều thành tích trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Nhìn từ Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có thể thấy được khá rõ “kinh nghiệm” để không bị chậm tiến độ, “tránh” được “vướng” về GPMB. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao ở cùng một địa phương, cùng một chủ đầu tư… mà dự án này triển khai được, dự án kia lại bị vướng? Để trả lời câu hỏi này, nên chăng các đơn vị cần nhìn lại “con đường” mà Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đã đi qua. Từ trao đổi thông tin, việc tuyên truyền cho đến cách tiếp cận… làm sao để khơi dậy được quyết tâm của chính quyền địa phương và tạo được lòng tin của nhân dân. Có như vậy thì mới mong tiến độ có thể bảo đảm kế hoạch đề ra như dự án cao tốc đầu tiên ở Tây Nguyên này.

      Khả Ngân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.