Tái diễn tình trạng khoai lang “được mùa - mất giá”
Thời điểm này, nông dân huyện Lắk đang bước vào vụ thu hoạch khoai lang. Dù năng suất đạt cao song bà con lại lo lắng do giá khoai giảm sâu so với năm ngoái.
Nông dân kém vui
Vụ mùa năm nay, gia đình anh Nguyễn Đình Vinh (buôn Dhăm 2, xã Đắk Nuê) thuê 15 ha đất trồng khoai lang.
Nhờ xuống giống sớm, chăm sóc kỹ lưỡng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cây khoai lang sinh trưởng và phát triển tốt, đạt năng suất cao.
Hiện tại, gia đình đã thu hoạch được 5 ha, với sản lượng trên 150 tấn, bán với giá trung bình 5.000 đồng/kg, thu về 750 triệu đồng.
Theo anh Vinh, so với mọi năm, thì năm nay năng suất khoai lang khá cao, có nhiều thửa ruộng của gia đình đạt từ 35 – 40 tấn/ha. Tuy nhiên, giá khoai lang đã giảm một nửa so với năm ngoái, khiến gia đình anh bị lỗ khoảng 50 triệu đồng/ha.
Anh chia sẻ, nguyên nhân thua lỗ là do các khoản chi phí đầu vào như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống tưới nước… tốn khoảng 150 triệu đồng/ha. Chưa kể, gia đình anh còn phải bỏ tiền thuê đất từ 30 - 55 triệu đồng/ha tùy theo thổ nhưỡng và khoảng 20 triệu đồng/ha thuê nhân công thu hoạch. “Hiện tại, gia đình tôi còn 10 ha khoai lang đã đến độ thu hoạch, nếu để lâu sẽ bị sùng, hà.
Mặc dù gia đình đã kết nối với nhiều thương lái TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Lâm Đồng… để nhanh chóng thu hoạch, nhưng thương lái đến thu mua tuyển chọn rất kỹ lưỡng, thậm chí để nhiều ngày mới mua một đợt. Với tình hình thị trường hiện tại, không biết lúc nào mới bán hết khoai để gỡ gạc lại được một ít vốn liếng bỏ ra”, anh Vinh than thở.
Ruộng khoai lang cho năng suất 35 – 40 tấn/ha của gia đình anh Nguyễn Đình Vinh (buôn Dhăm 2, xã Đắk Nuê, huyện Lắk). |
Vụ khoai năm nay, gia đình anh Phạm Văn Châu (buôn Plao Siêng, xã Ea R’bin) dù vẫn có lãi, nhưng chẳng đáng là bao so với năm ngoái. Gia đình anh có 2 ha khoai lang đã thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 50 tấn (năng suất cao hơn khoảng 10% so với vụ trước); với giá bán 6.000 đồng/kg, gia đình anh thu được 300 triệu đồng, tuy nhiên, chi phí đầu tư đã tốn khoảng 240 triệu đồng.
Vụ đông xuân năm nay, huyện Lắk trồng 730 ha khoai lang, tập trung chủ yếu tại các xã: Đắk Liêng, Đắk Nuê, Buôn Triết và Ea R’bin. Theo nhận định của ngành nông nghiệp huyện, năm 2023 do nguồn cung ít, thị trường tiêu thụ truyền thống tăng mạnh nên giá khoai lang tăng cao, thương lái các nơi đổ về huyện thu mua khoai với giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, nông dân thu lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/ha. Từ thắng lợi vụ khoai lang năm ngoái nên năm nay nông dân đổ xô trồng khoai lang, lượng cung lớn hơn cầu khiến giá giảm mạnh.
Để tránh tình trạng “được mùa - mất giá”
Năm 2023, huyện Lắk đã triển khai kế hoạch xây dựng mã vùng trồng xuất khẩu chính ngạch khoai lang sang thị trường Trung Quốc cho hàng trăm héc ta với hy vọng có đầu ra ổn định, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Trong thời gian chờ thị trường Trung Quốc “thông quan”, chính quyền địa phương đã đưa ra một số khuyến cáo và đề xuất để người dân hạn chế thiệt hại khi rơi vào tình cảnh "được mùa - mất giá".
Bà con thu hoạch khoai lang tại xã Ea R’bin - vùng trọng điểm có diện tích trồng lớn nhất huyện Lắk. |
Năm nay, xã Đắk Nuê gieo trồng 130 ha khoai lang, với sản lượng khoảng 3.250 tấn. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Nuê Nguyễn Đình Giang, hiện tại, giá khoai lang tại địa phương chỉ từ 5.200 - 5.500 đồng/kg, khiến các hộ thuê đất trồng rơi vào cảnh thua lỗ. Để hạn chế tình trạng thua lỗ khi giá giảm sâu, ông Giang khuyến cáo bà con nên tự sản xuất nguồn giống, tận dụng phân bón chuồng trại để chăm sóc khoai lang nhằm hạ thấp chi phí đầu tư sản xuất. Ngoài ra, nông dân không nên độc canh khoai lang liên tục mà áp dụng luân canh, xây dựng lịch thời vụ phù hợp, tránh việc thu hoạch quá nhiều cùng thời điểm, sẽ dễ bị rớt giá. Đồng thời, chuyển dần từ sản xuất tự phát, cá thể, sang mô hình hợp tác xã để dễ quản lý, đầu tư và tiêu thụ.
Là địa phương có diện tích khoai lang lớn nhất huyện, vụ đông xuân năm nay, xã Ea R’bin trồng hơn 467 ha khoai lang (vượt gần 17% kế hoạch). Với thổ nhưỡng phù hợp, cùng với kinh nghiệm nhiều năm canh tác và mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năm nay, năng suất khoai lang trên địa bàn đạt bình quân 25 - 30 tấn/ha.
Ông Đặng Xuân Kiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea R'bin cho biết, năm nay, do thời tiết khô hạn nên người dân áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm như: tưới nhỏ giọt, tưới phun sương để cây sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng củ đạt hàm lượng dinh dưỡng cao, nhưng chi phí đầu tư lại tăng thêm khoảng 20 triệu đồng/ha (tức 110 - 130 triệu đồng/ha).
Trong khi đó, giá thị trường giảm sâu nên bà con chẳng lãi là bao, thậm chí một số nông hộ có năng suất thấp thì chỉ đủ huề vốn. Do đó, địa phương khuyến cáo bà con không nên tăng diện tích ồ ạt, theo dõi sát tình hình thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Đồng thời, tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng chất lượng cây trồng, phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm mang lại năng suất cao. Về lâu dài, địa phương đề xuất chính quyền cấp trên khuyến khích và tạo điều kiện mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến khoai lang để phát triển bền vững.
Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc