Multimedia Đọc Báo in

Tập trung giải ngân vốn đầu tư công

08:17, 10/04/2024

Thời gian qua, tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đầu tư, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị phải có những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ trong việc giải ngân vốn.

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là gần 7.268 tỷ đồng, trong đó, phân bổ chi tiết cho các dự án thuộc ngân sách tỉnh quản lý là 5.096 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã giải ngân được hơn 4.096 tỷ đồng (bằng 80,4% kế hoạch), trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương gần 2.458 tỷ đồng (74,4% kế hoạch), ngân sách địa phương hơn 1.638 tỷ đồng (91,3% kế hoạch). Có 7 đơn vị giải ngân dưới 50%, 9 đơn vị giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh, 13 đơn vị giải ngân cao hơn mức bình quân chung của tỉnh.

Trong năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công gần 6.197 tỷ đồng, trong đó, phân bổ chi tiết cho các dự án tỉnh quản lý gần 4.260 tỷ đồng; ngân sách huyện thực hiện các dự án là hơn 1.351 tỷ đồng; đã giao chi tiết đến từng dự án hơn 3.952 tỷ đồng (92,8% kế hoạch). Trong quý I/2024, toàn tỉnh đã giải ngân 804 tỷ đồng (20,3% kế hoạch), trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân 594,4 tỷ đồng (29% kế hoạch), vốn ngân sách địa phương đã giải ngân 209,5 tỷ đồng (11% kế hoạch).

Thi công đường tránh Đông TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Vạn Tiếp

Theo đánh giá của ngành chức năng, tỷ lệ giải ngân của tỉnh từ đầu năm 2024 đến nay có cải thiện (cao hơn 8,2% so với cùng kỳ năm 2023). Tuy nhiên, giải ngân vốn vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra do công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa thực hiện tốt dẫn đến nhiều dự án chưa đủ điều kiện giải ngân; một số chủ đầu tư chưa quan tâm ưu tiên vốn cho công tác giải phóng mặt bằng; một số dự án khởi công mới trong kế hoạch năm 2024 đang trong quá trình đấu thầu xây lắp hoặc vừa mới đấu thầu xây lắp nên chưa có khối lượng để thực hiện giải ngân. Bên cạnh đó, nguồn thu tiền sử dụng đất còn chậm nên thiếu vốn để thực hiện giải ngân cho các dự án. Cụ thể, toàn tỉnh mới chỉ thu được 244 tỷ đồng, tương đương 8,2% kế hoạch.    

Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đảm bảo theo kế hoạch. Về phía các đơn vị được giao kế hoạch thu tiền sử dụng đất, phải khẩn trương triển khai kế hoạch thu tiền sử dụng đất, tiền bán đất (kế hoạch thu năm 2024 là 2.976 tỷ đồng) để đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho các công trình đã có trong kế hoạch. Kho bạc Nhà nước tỉnh thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân; phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư xử lý những vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thuận lợi trong việc giải ngân thanh toán và hoàn ứng vốn đầu tư. Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện kế hoạch đầu tư của các cơ quan, đơn vị, địa phương; kịp thời tổng hợp, chủ động rà soát, tham mưu UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn đối với dự án có tỷ lệ giải ngân không đạt tiến độ.

UBND tỉnh đề nghị các huyện, thị xã, thành phố xúc tiến triển khai kế hoạch đầu tư công, kịp thời phát hiện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình, dự án đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao. Đối với các dự án đã được giao vốn chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch năm 2024, các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt giao kế hoạch vốn theo quy định. Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ thi công, giải ngân, thanh toán khối lượng hoàn thành, chất lượng công trình, việc lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công không đảm bảo năng lực; các dự án phải thực hiện theo mức kế hoạch vốn đã giao.

Ông Nguyễn Công Điều, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Đắk Lắk cho biết, toàn tỉnh hiện có 2.179 tỷ đồng vốn tạm ứng, trong đó có 287 tỷ đồng tạm ứng phục vụ giải phóng mặt bằng và xây lắp đã quá hạn. Đơn vị thường xuyên đôn đốc các đơn vị hoàn ứng; đồng thời, kiến nghị cơ quan chức năng tham mưu UBND tỉnh xử lý, thu hồi.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.