Vai trò chủ thể của nông dân
Chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp được xác định là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, trong đó nông dân được xác định là trung tâm với mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đồng thời góp phần quan trọng vào thực hiện chương trình CĐS quốc gia mà Chính phủ đã ban hành.
Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh LẠI THỊ LOAN chung quanh vấn đề này.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lại Thị Loan. |
* Bà đánh giá thế nào về sự tác động của CĐS đối với hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
CĐS nói chung và CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng đã mang lại nhiều tác động tích cực. CĐS làm minh bạch thông tin, giúp cơ quan quản lý, các chủ thể sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân...) nắm bắt và xử lý thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời để đưa ra các quyết định giúp việc thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch nhanh chóng, thuận lợi, giảm chi phí. Đồng thời, CĐS góp phần thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến vào canh tác nông nghiệp, quản trị và tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, qua đó sử dụng hiệu quả tài nguyên, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa hiệu quả kinh tế nông nghiệp và phát triển bền vững.
Hơn nữa, CĐS giúp nâng cao hiệu quả trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; công nghệ số cũng giúp người nông dân thuận tiện hơn trong học hỏi kỹ thuật, tìm hiểu thị trường, liên kết hợp tác sản xuất. Đây là điều kiện quan trọng, góp phần để nông nghiệp truyền thống dần chuyển đổi sang hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và vấn đề giống được thực hiện tốt hơn. Sự thay đổi này không chỉ hiện hữu ở những doanh nghiệp quy mô lớn, mà ngay cả những chi hội, tổ hội nghề nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác... cũng đã từng bước áp dụng phù hợp. Từ đó, góp phần triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh.
Nông dân quảng bá sản phẩm tại Tuần lễ trưng bày giới thiệu, tiêu thị sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2023. |
* Theo bà, bên cạnh những thuận lợi thì việc triển khai CĐS trong hội viên nông dân còn gặp những khó khăn, thách thức như thế nào?
Hiện nay trên thực tế, nhận thức xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của CĐS nói chung, CĐS nông nghiệp nói riêng vẫn nhiều còn hạn chế. Trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn là nông dân không được đào tạo chuyên môn bài bản, mà hầu hết là kinh nghiệm được truyền từ đời trước sang đời sau; nguồn nhân lực này cũng hạn chế trong việc tiếp nhận đào tạo tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Tại địa phương, các mô hình thực tiễn về ứng dụng công nghệ số còn ít, phần lớn nông dân chưa có cơ hội được trực tiếp học tập, áp dụng. Hơn nữa, nguồn vốn đầu tư cho CĐS nói chung và cho CĐS trong nông nghiệp nói riêng còn hạn chế; nông dân chưa có nguồn lực để đầu tư ứng dụng công nghệ số vào sản xuất hoặc chưa mạnh dạn đầu tư do thiếu kiến thức, kỹ năng.
* Để triển khai có hiệu quả công tác CĐS đến với đông đảo hội viên, nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã có những định hướng, giải pháp gì, thưa bà?
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền trong hội viên, nông dân về tính tất yếu của CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp; vận động nông dân thay đổi tư duy từ mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống sang mô hình nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, nông nghiệp thông minh 4.0, trên cơ sở ứng dụng công nghệ số thông qua các hoạt động cụ thể do Hội Nông dân tổ chức. Cụ thể như phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, giới thiệu mô hình, hướng dẫn về áp dụng công nghệ số cho hội viên nông dân; hội thảo trực tiếp tại địa điểm sản xuất; hướng dẫn và hỗ trợ hội viên tham gia thương mại điện tử; hướng dẫn hội viên tiếp cận các chính sách về CĐS…
Bằng các nguồn lực vận động được, Hội sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình CĐS trong sản xuất nông nghiệp để hội viên nông dân được trực tiếp tham quan học tập, áp dụng. Đồng thời phát huy hiệu quả của câu lạc bộ (CLB) “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, CLB “Nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn”, tạo môi trường để các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc dẫn dắt các hội viên nông dân khác tham gia chuyển đổi số. Bên cạnh đó, Hội sẽ tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành thêm các cơ chế, chính sách để hỗ trợ hội viên nông dân tham gia vào CĐS.
* Trân trọng cảm ơn bà!
Vân Anh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc