Cần đánh giá cụ thể các chính sách cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Ngày 24/5, Đoàn giám sát số 22 của Thường trực HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc sử dụng kinh phí quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2023.
Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng phát biểu ý kiến. |
Báo cáo tại buổi làm việc cho biết, tỉnh Đắk Lắk có diện tích rừng trên 497.235,2 ha (trong đó rừng tự nhiên 411.930,9 ha, rừng trồng 85.304,3 ha), diện tích đất chưa có rừng 240.047,9 ha, trong đó bao gồm cả 9.431,6 ha đất đã trồng chưa thành rừng (diện tích này không tham gia tính tỷ lệ che phủ rừng); tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,04%.
Diện tích rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được giao cho các đơn vị quản lý gồm: các Vườn quốc gia, Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ; Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng; các Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp, hai thành viên lâm nghiệp; các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị Lực lượng vũ trang, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, các tổ chức, đơn vị sự nghiệp khác…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn giải trình các nội dung do Đoàn giám sát nêu ra. |
Trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Đắk Lắk đã bố trí hơn 318,6 tỷ đồng (ngân sách tỉnh trên 300 tỷ đồng, ngân sách Trung ương trên 18,6 tỷ đồng) nhằm triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng và được các đơn vị sử dụng hiệu quả, đảm bảo đúng quy định. Đối với kinh phí dịch vụ môi trường rừng, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã triển khai kế hoạch thu, chi nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng theo kế hoạch được giao. Kết quả thực tế thu trong 3 năm đạt trên 311, 4 tỷ đồng, vượt kế hoạch được giao. Đồng thời, tương ứng với kết quả thu thì tiến độ chi thanh toán cho các chủ rừng đều được thực hiện đảm bảo nhiệm vụ đề ra.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã nêu ra những khó khăn như: chế độ, chính sách đối với người bảo vệ rừng chưa bảo đảm; hầu hết các Công ty lâm nghiệp chủ yếu hoạt động cầm chừng, chưa chủ động được nguồn kinh phí để hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ và phát triển rừng cũng như các hoạt động kinh doanh khác, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước; các Công ty TNHH một thành viên, hai thành viên lâm nghiệp tuy đã được sắp xếp lại nhưng chưa có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh để đem lại lợi nhuận…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Minh Chí thông tin tại buổi làm việc. |
UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh sớm cho chủ trương xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về sử dụng nguồn ngân sách tỉnh để tăng mức hỗ trợ kinh phí quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy cấp huyện xử lý dứt điểm các vụ vi phạm, không để tồn đọng kéo dài; chỉ đạo bổ sung các chương trình, dự án, đề án thuộc lĩnh vực lâm nghiệp vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tăng cường giải pháp, nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh; kiến nghị bộ, ngành Trung ương sớm triển khai và bố trí đầy đủ nguồn lực để tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, tái sinh, khôi phục, phát triển rừng trên diện tích suy giảm tại địa phương…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; xử lý triệt để tồn đọng, tranh chấp về đất đai có nguồn gốc từ lâm trường, công ty lâm nghiệp; chấm dứt tình trạng công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp được giao đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả…
Lãnh đạo Sở Tài chính thông tin các nội dung liên quan đến kinh phí quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. |
Trên cơ sở phân tích, đánh giá cụ thể các chính sách, cũng như các nguồn lực tài chính thực hiện cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, từ đó đề xuất tăng kinh phí cho phù hợp, không nên đề xuất theo hướng tăng cho các đối tượng chủ rừng bình quân như hiện nay. Xây dựng mô hình điểm về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo từng địa bàn, sau đó đánh giá hiệu quả, nhân rộng mô hình…
Đối với những nội dung theo đề nghị của Đoàn Giám sát, UBND tỉnh rà soát, tổng hợp, hoàn chỉnh và gửi báo cáo bổ sung về cho Đoàn Giám sát trước ngày 31/5/2024.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc