Để nghề rừng đỡ “bạc” hơn
Giải pháp căn cơ nhất để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) bên cạnh tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về chính sách là cần thêm nguồn lực cho lĩnh vực này để những người làm công tác giữ rừng có thêm động lực yên tâm gắn bó với nghề rừng.
Tín hiệu vui cho công tác QLBVR là ngày 24/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2024/NĐ-CP về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, trong đó điều chỉnh một số mức đầu tư, hỗ trợ một số hoạt động về bảo vệ và phát triển rừng so với chính sách đầu tư hiện hành.
Theo nghị định này, mức hỗ trợ bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng bình quân được nâng lên thành 500.000 đồng/ha/năm (tăng 200.000 đồng/ha/năm so mức hỗ trợ tại chính sách hiện hành). Với xã khu vực II, khu vực III, mức hỗ trợ bằng 1,2 lần; vùng đất ven biển bằng 1,5 lần mức bình quân.
Về công tác khoán bảo vệ diện tích rừng, ưu tiên khu vực tiếp giáp khu dân cư cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tại địa phương, đặc biệt là các xã khu vực II, khu vực III; diện tích tiếp giáp với khu vực có nguy cơ cao về xâm hại tài nguyên rừng. Điều kiện và hạn mức khoán bảo vệ rừng được thực hiện theo quy định tại Điều 4 và khoản 2 Điều 6 Nghị định số 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Tuần tra bảo vệ rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Ka. Ảnh: Vạn Tiếp |
Về trình tự thực hiện, căn cứ dự toán kinh phí QLBVR rừng hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) quyết định mức cấp kinh phí cụ thể cho từng ban quản lý rừng trực thuộc Bộ; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định mức cấp kinh phí cụ thể cho từng ban quản lý rừng tại địa phương. Phương thức hỗ trợ cụ thể dựa trên kết quả bảo vệ rừng giữa chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với UBND cấp xã. Thời hạn thực hiện theo năm, hoặc theo kế hoạch trung hạn 3 năm, 5 năm.
Bên cạnh chính sách chung của Trung ương, ở góc độ địa phương, theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng, trên cơ sở phân tích, đánh giá cụ thể các chính sách, cũng như các nguồn lực tài chính thực hiện cho công tác QLBVR, nghị quyết về chính sách đặc thù của tỉnh trong công tác này phải đánh giá việc thực hiện như thế nào là hiệu quả nhất. Từ đó đề xuất mức tăng phù hợp cho các đối tượng theo đặc thù, điều kiện cụ thể, không tăng "cào bằng" cho các đối tượng chủ rừng như hiện nay.
Bên cạnh đó, các địa phương, chủ rừng phải sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được phân bổ cho hoạt động QLBVR. Kịp thời có giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng nguồn kinh phí được phân bổ phục vụ công tác QLBVR. Nghiêm túc chấn chỉnh công tác lập dự toán, phân bổ kinh phí đối với diện tích rừng được giao, nhưng thực tế không có rừng; trong quá trình tổ chức thực hiện không sử dụng hết được kinh phí phân bổ hoặc sử dụng kinh phí không đúng quy định. Cùng với đó, địa phương cần có phương án, giải pháp căn cơ là thực hiện ổn định dân di cư tự do; khoanh vùng quản lý hiệu quả các khu, cụm dân cư, các hộ dân sinh sống bìa rừng để tránh tình trạng tiếp tục xâm lấn đất rừng.
Theo Sở NN-PTNT, Nghị định 58 là tín hiệu vui cho ngành lâm nghiệp, đây là điểm mới, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến công tác QLBVR trong bối cảnh cực kỳ khó khăn như hiện nay.
Tỉnh cũng đang chờ Bộ NN-PTNT có thông tư hướng dẫn để triển khai thực hiện. Việc nâng mức đầu tư, hỗ trợ hoạt động bảo vệ và phát triển rừng được kỳ vọng là nguồn lực bền vững cho người dân tham gia giữ rừng, phát huy đa giá trị của hệ sinh thái rừng.
Tuy nhiên, theo các chủ rừng, tăng kinh phí quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chỉ là một trong những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác QLBVR. Bên cạnh đó, cần tăng quyền hạn, công cụ hỗ trợ cho lực lượng làm nhiệm vụ giữ rừng đủ mạnh để răn đe các đối tượng xâm hại đến rừng…
Minh Minh
Ý kiến bạn đọc