Huyện Krông Búk: Đánh giá thực trạng và định hướng sản xuất, phát triển cà phê bền vững
Ngày 24/5, UBND huyện Krông Búk tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng và định hướng sản xuất, phát triển cà phê bền vững trên địa bàn huyện.
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ông Hoàng Kiên Cường, Chủ tịch UBND huyện và ông Phan Hoàng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện đồng chủ trì hội nghị.
Lãnh đạo UBND huyện Krông Búk chủ trì hội nghị. |
Đến cuối năm 2023, tổng diện tích cà phê của huyện Krông Búk là 20.415 ha, trong đó 19.637 ha đang trong thời kỳ kinh doanh, năng suất bình quân đạt 23,29 tạ/ha; sản lượng đạt 45.724 tấn.
Hiện, toàn huyện có trên 20% diện tích cà phê già cỗi (trên 20 năm tuổi năng suất, sản lượng ngày một giảm), phần lớn trồng giống cũ; sản xuất cà phê theo quy mô hộ gia đình là 19.319,29 ha, công ty: 1.095,71 ha.
Để phát triển cà phê bền vững, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND, ngày 6/2/2018 về triển khai thực hiện Đề án phát triển cà phê bền vững tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Krông Búk; Quyết định số 108/QĐ-UBND, ngày 5/2/2021 về việc ban hành Kế hoạch tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Krông Búk... Kết quả, từ năm 2018 đến nay toàn huyện đã tái canh được 1.588/1.808 ha (đạt 87,83% so với kế hoạch)...
Vườn cà phê tái canh, trồng xen các loại cây ăn trái của gia đình ông Y Hiền Niê (buôn Adrơng Điết, xã Cư Pơng) mang lại thu nhập khá. |
Để tạo điệu kiện cho nông dân tái canh cà phê, UBND huyện đã phối hợp với Ngân hàng NN-PTNT - Chi nhánh Pơng Drang triển khai các chương trình vay vốn sản xuất cà phê, với số vốn giải ngân cuối năm 2020 là 3,395 tỷ đồng, đến nay còn 11 khách hàng vay vốn với số tiền hơn 1 tỷ đồng; vay vốn chăm sóc cây cà phê là 200 tỷ đồng… Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay ưu đãi hộ nghèo và hộ cận nghèo sản xuất cây cà phê trên địa bàn huyện là 124,294 tỷ đồng.
Việc tổ chức sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận được ngành nông nghiệp huyện quan tâm. Đến nay, huyện có 3 hợp tác xã liên kết với Công ty Cà phê Đắk Man Việt Nam sản xuất theo tiêu chuẩn Flo, với diện tích 396 ha, sản lượng hàng năm đạt 726 tấn; cà phê Honey với sản lượng 70 tấn/năm…
UBND huyện còn phối hợp với Sở NN-PTNT triển khai các dự án sản xuất cà phê như: Dự án VnSAT tỉnh triển khai tập huấn kỹ thuật và các mô hình sản xuất cà phê bền vững và tái canh cà phê; Dự án “Sử dụng nước tưới hợp lý để nâng cao hiệu quả sản xuất của ngành cà phê Việt Nam”…
Nông dân huyện Krông Búk phản ánh về thực trạng thu hoạch cà phê chưa đảm bảo về tiêu chuẩn. |
Tại hội nghị, đại biểu đã thảo luận về thực trạng, giải pháp phát triển cà phê bền vững như: liên kết nông dân trồng cà phê; nhiều nông dân trồng cà phê chưa nắm vững quy trình kỹ thuật chăm sóc, dẫn đến năng suất thấp, đầu tư kém hiệu quả; sản xuất cà phê theo quy mô nhỏ là chủ yếu nên mức độ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất cà phê thấp kéo hiệu quả kinh tế thấp, không tiết kiệm được tài nguyên nước, vật tư; việc mất an ninh trât tự mùa thu hoạch cà phê thường xuyên tái diễn,…
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã nêu hiện trạng và định hướng phát triển cà phê bền vững của Việt Nam trong tình hình mới… Đồng thời, đề nghị các đại biểu, nhà quản lý, nhà nông tập trung thảo luận đánh giá tình hình phát triển cây cà phê trên địa bàn, phân tích hạn chế, nguyên nhân; định hướng, các giải pháp phát triển vùng nguyên liệu cà phê ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong sản xuất, quy trình thâm canh, ứng dụng công nghệ cao; sản xuất cà phê có chứng nhận bền vững; những quy định, thủ tục, tiêu chuẩn để cà phê tiêu thụ tốt tại nhiều thị trường…
Ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phát biểu tại hội nghị. |
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Kiên Cường đề nghị Phòng NN-PTNT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ các văn bản của tỉnh, huyện về phát triển cây cà phê bền vững.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức nhiều lớp tập huấn về chăm sóc, phát triển cây cà phê, qua đó giúp bà con nông dân áp dụng, phát huy tinh thần sáng tạo, lao động hăng say, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để làm ra sản phẩm chất lượng.
Cùng với đó thực hiện có hiệu quả các chương trình tái canh cây cà phê và phải tổ chức triển khai triệt để, nghiêm ngặt các quy trình, giải pháp, kỹ thuật; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra các cơ sở kinh doanh, mua bán làm tốt công tác quản lý truy xuất nguồn gốc cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế thấp nhất những rủi ro, thiệt hại cho nông dân trong phát triển cà phê bền vững…
Hoàng Ân
Ý kiến bạn đọc