Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao giá trị cà phê bằng canh tác hữu cơ

08:26, 27/05/2024

Canh tác hữu cơ là hướng đi bền vững, không chỉ vì giá trị, nhu cầu tiêu dùng mà còn vì ý thức bảo vệ sức khỏe, đa dạng sinh học và cân bằng hệ sinh thái. Với những mục tiêu đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã luôn nỗ lực từ khâu sản xuất đến chế biến nhằm đưa ra thị trường sản phẩm cà phê chất lượng nhất.

Đơn cử, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Quyết Tiến (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) được thành lập từ năm 2015 với 32 thành viên, có trên 46 ha đất trồng cà phê, hồ tiêu và một số cây trồng khác như bơ, sầu riêng, chanh dây… Ngay từ khi mới thành lập, HTX đã phát triển theo hướng hữu cơ.

Theo đó, HTX thường xuyên mời những người có chuyên môn tại các viện nghiên cứu trên địa bàn tỉnh về hướng dẫn, tập huấn cho xã viên kỹ thuật canh tác, quy trình chăm sóc cây cà phê.

Đồng thời, vận động các thành viên HTX, người dân tại địa phương hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… để phát triển bền vững. Khi tái canh, HTX định hướng người dân tập trung phát triển các giống cà phê như TR4, TR9… nhằm tăng năng suất, chất lượng cây cà phê.

Vườn cà phê của HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Quyết Tiến được canh tác theo hướng hữu cơ.

Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Quyết Tiến Phạm Công Phi cho biết, sau gần 10 năm phát triển, hiện HTX đã có 154 thành viên (trong đó có 56 hộ thành viên liên kết), với diện tích hơn 230 ha và vốn điều lệ gần 600 triệu đồng. Các sản phẩm cà phê của HTX hiện đã được chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao, phấn đấu đến cuối năm 2024 đạt OCOP 4 sao.

Đặc biệt, HTX thu mua cà phê cho thành viên và người dân trên địa bàn với giá cao hơn thị trường từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Mỗi năm HTX có thể cung cấp ra thị trường từ 500 – 700 tấn cà phê. Các sản phẩm của HTX được xuất bán đi nhiều nơi trong cả nước, nhất là tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ (Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp…).

Hiện nay, HTX đã sở hữu một nhà kho, sân phơi và khu chế xuất rộng hơn 1.000 m2, với tổng số vốn trên 3,6 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên trong việc bảo quản và phơi khô sản phẩm sau thu hái.

Bên cạnh đó, nhằm chủ động cung cấp nguồn phân hữu cơ cho thành viên, sau nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi, HTX đã mạnh dạn mua phân heo từ các trại heo trên địa bàn để ủ thành phân vi sinh. Riêng đầu năm 2024, HTX đưa ra thị trường 100 tấn phân phục vụ các thành viên HTX đang tái canh cà phê sử dụng thử nghiệm nhằm bảo vệ môi trường, giảm chi phí đầu tư.

HTX Thương mại và Dịch vụ Quỳnh Tân (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) những năm gần đây cũng đã chủ động đẩy mạnh phát triển cà phê theo chuỗi giá trị, đạt chứng nhận quốc tế. HTX hiện có 105 thành viên và 263 nông hộ liên kết. Đặc biệt, các xã viên và thành viên liên kết tuân thủ quy định không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay bất cứ hóa chất nào trong toàn bộ quy trình trồng, chăm sóc, chế biến cà phê.

HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Quyết Tiến phát triển mảng phân bón vi sinh phục vụ việc canh tác của xã viên.

Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Thương mại và Dịch vụ Quỳnh Tân Nguyễn Viết Tốt cho hay, trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, người sản xuất cà phê phải thay đổi về cả tư duy và phương thức sản xuất để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Để từng bước thay đổi nhận thức và quy trình sản xuất của thành viên HTX, Ban quản lý HTX đã cùng xã viên, hộ liên kết đi học hỏi về cách xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, sản xuất cà phê hữu cơ, chất lượng cao tại các vùng sản xuất cà phê chất lượng cao, các vườn cà phê đạt tiêu chuẩn quốc tế trong và ngoài tỉnh.

Sau đó, HTX đã cùng 67 thành viên, với diện tích 97 ha tham gia sản xuất cà phê bền vững, đạt tiêu chuẩn Rainforest Alliance. Mỗi năm, các hộ thành viên thu về sản lượng trên 300 tấn cà phê tươi. HTX mua toàn bộ sản phẩm cà phê này với giá cao hơn thị trường từ 8.000 - 10.000 đồng/kg cà phê nhân.

Nhờ vậy, người dân và thành viên trong HTX tích cực tham gia vào chuỗi sản xuất có chứng nhận, hình thành thói quen sản xuất mới, bền vững và bảo vệ được môi trường canh tác. Từ đó, mối quan hệ liên kết giữa nông dân và HTX cũng được kết nối chặt chẽ hơn. Người dân địa phương cũng bắt đầu quan tâm và học hỏi, làm theo mô hình cà phê chất lượng cao của HTX.

Từ năm 2022 đến nay, HTX Thương mại và Dịch vụ Quỳnh Tân cũng đã sử dụng các phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, vỏ cà phê sau sơ chế để sản xuất phân vi sinh, phân đạm cá… nhằm giảm thiểu chi phí trong sản xuất cho xã viên. Hiện nay, sau mỗi niên vụ cà phê, HTX có khoảng 35 tấn phân vi sinh làm từ vỏ cà phê, được các thành viên HTX sử dụng để bón cho các vườn cà phê. Việc này giúp các thành viên tiết kiệm 30% chi phí vật tư đầu vào, tạo ra sản phẩm cà phê chất lượng, không tồn dư kim loại nặng…

Trong bối cảnh yêu cầu thị trường ngày càng cao về các sản phẩm "xanh – sạch – an toàn", việc canh tác cà phê theo hướng hữu cơ là hướng đi tất yếu và bền vững, góp phần nâng cao giá trị cà phê và thu nhập cho người dân.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.