Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng mô hình nuôi lươn không bùn tại Ea Súp

08:18, 04/06/2024

Chưa từng nuôi thủy sản thế nhưng bà Đặng Thanh Hiếu (thôn 3, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) đã bước đầu thành công với mô hình nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt.

Trước đây, gia đình bà Hiếu nuôi heo nhưng do giá cả bấp bênh, lại xảy ra dịch bệnh nên việc chăn nuôi bị thua lỗ. Đầu năm 2023, bà đi một số nơi ngoài tỉnh tham quan mô hình nuôi lươn.

Qua tìm hiểu kỹ càng về cách thức, lợi ích nuôi lươn, bà đã mạnh dạn nhập 1.000 con lươn giống về nuôi. Tận dụng chuồng nuôi heo trước đó, bà tạo một bể nước có kích thước 1,5 m x 4 m, sâu khoảng 1 m được lót bạt xung quanh để nuôi thử nghiệm.

Nhờ chịu khó học hỏi kiến thức từ nhiều kênh và rút kinh nghiệm từ những thất bại trong chăn nuôi trước đó nên ngay từ lứa nuôi đầu tiên bà đã thành công khi tỷ lệ lươn sống đến lúc thu hoạch đạt 80%.

Bà Đặng Thanh Hiếu (bên phải) giới thiệu bể nuôi lươn không bùn của gia đình.

Sau 8 tháng nuôi, khi trọng lượng của lươn đạt 150 - 200 g/con, bà Hiếu thu hoạch được 160 kg lươn thương phẩm. Với giá bán ổn định từ 130.000 – 150.000 đồng/kg, bà thu về khoảng 10 triệu đồng tiền lãi sau khi trừ các khoản chi phí. Nhận thấy hiệu quả và nhu cầu tiêu thụ lươn trên địa bàn huyện Ea Súp rất lớn, gia đình bà xây dựng thêm 5 bể nuôi lươn thương phẩm, với 6.000 con lươn. Bà áp dụng hình thức nuôi luân phiên, thông thường các bể cách nhau 1 – 2 tháng nên bảo đảm lượng lươn thương phẩm xuất bán mỗi ngày.

Bà Hiếu chia sẻ: Nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt rất tiện lợi, nhẹ công chăm sóc, dễ theo dõi, dễ thay nước, lươn ít bệnh tật, mỗi ngày chỉ cần cho lươn ăn hai lần vào lúc sáng sớm và chiều mát.

Thức ăn của lươn khá đơn giản, ngoài cám công nghiệp nên kết hợp cho ăn thêm cá xay, giun quế vừa để giảm lượng cám, vừa cung cấp chất dinh dưỡng giúp lươn nhanh lớn, khỏe mạnh.

Tuy nhiên, cần lưu ý nguồn nước phải đảm bảo sạch không có hóa chất, có độ pH từ 6,8 – 7,5, mực nước duy trì trong bể từ 10 - 20 cm. Đặc biệt con giống phải đồng đều, khỏe mạnh, không bị xây xát. Ngoài ra, cần chú trọng việc phòng trị các loại bệnh như: lở loét ở da, xuất huyết, nấm thủy mi…

Đồng thời theo dõi tình trạng đàn lươn để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp và phân loại cỡ lươn để hạn chế hao hụt, tăng nhanh trọng lượng. Hiện bà Hiếu đang dự định liên kết với một doanh nghiệp chế biến lươn tại TP. Buôn Ma Thuột để làm lươn một nắng nhằm nâng cao hơn nữa giá trị của lươn.

Bà Đặng Thanh Hiếu (bên phải) nhận chứng nhận đạt giải Nhì trong Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh năm 2024 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Ea Súp H'Bun Mi Siu cho biết, lươn là một trong những loại thủy sản có giá trị kinh tế cao nên thị trường tiêu thụ khá rộng. Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt của bà Hiếu mang lại hiệu quả kinh tế cao, tận dụng được công lao động nhàn rỗi và diện tích sân vườn trống, đặc biệt phù hợp với các hộ dân có diện tích đất sản xuất nhỏ; đồng thời giúp đa dạng hóa đối tượng sản xuất tại địa phương.

Vừa qua, trong chương trình Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh năm 2024 do Hội LHPN tỉnh tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột, mô hình nuôi lươn không bùn trong bạt lót của bà Hiếu là một trong ba dự án tham dự được trao giải Nhì.

Thời gian tới, Hội LHPN thị trấn Ea Súp sẽ phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức tập huấn truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm để nhân rộng mô hình này, giúp chị em nâng cao thu nhập.

Giang Nga


Ý kiến bạn đọc