Xuất khẩu lao động: “Kênh” giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người lao động
Thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M'gar) có đến 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Do đất canh tác ít, thiếu việc làm, thu nhập không ổn định nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của địa phương hiện ở mức 2,62%.
Xác định đưa người lao động, nhất là thanh niên DTTS đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong những giải pháp góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập, chính quyền thị trấn Ea Pốk đã quan tâm triển khai hiệu quả hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ). Qua đó đã tạo điều kiện cho nhiều lao động trên địa bàn có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao tay nghề...
Như trường hợp của gia đình bà H Bhao Kbuôr (ở buôn Pốt A). Thông qua sự kết nối, tư vấn của chính quyền thị trấn Ea Pốk, tháng 6/2023, con trai của bà là Y Bhip Kbuôr đã đi XKLĐ tại Nhật Bản. Với công việc xây dựng, mỗi tháng sau khi trừ hết chi phí sinh hoạt, Y Bhip gửi về cho gia đình 30 triệu đồng. Chỉ mới một năm con trai đi làm ở nước ngoài, số tiền 99 triệu đồng vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M'gar để lo thủ tục cho con đã được gia đình bà H Bhao trả hết và còn tích lũy được ít vốn để con trở về làm ăn.
Với số vốn tích lũy từ xuất khẩu lao động, anh Bùi Duy An (bên phải) đã mở xưởng nhận gia công cơ khí, mang lại thu nhập khá. |
Trước đó, năm 2017 anh Bùi Duy An (tổ dân phố Tân Tiến) cũng sang Nhật Bản làm nghề cơ khí. Anh An chia sẻ, nhờ nguồn thu nhập ổn định từ XKLĐ, năm 2023 hết hợp đồng lao động trở về, anh đã xây được căn nhà kiên cố và tích lũy được ít vốn để gây dựng kinh tế gia đình. Điều đáng phấn khởi hơn là trong thời gian lao động ở nước ngoài, anh An học thêm được nhiều kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm nghề đã làm. Hiện tại, anh An mở xưởng cơ khí tại nhà, nhận gia công cơ khí cho các công trình, mang về thu nhập ổn định cho bản thân và tạo việc làm cho lao động ở địa phương. Có tay nghề vững vàng, sắp tới anh dự định tiếp tục quay trở lại Nhật Bản làm việc với nhiều đãi ngộ và mức thu nhập tốt hơn.
Chị Nguyễn Thị Thuyết, công chức lao động - thương binh và xã hội thị trấn Ea Pốk cho biết, trước đây nhiều hộ dân, nhất là các hộ đồng bào DTTS không "mặn mà" với việc XKLĐ, mang tâm lý e ngại, không muốn đi làm việc xa nhà. Thế nhưng gần đây, bà con đã tiếp cận và có cái nhìn tích cực hơn với XKLĐ, do đó số người tham gia XKLĐ trên địa bàn đang có xu hướng tăng.
Mỗi năm, thị trấn Ea Pốk phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức 10 - 12 buổi tư vấn XKLĐ, giới thiệu việc làm; cử các đoàn công tác đến các thôn, buôn, tổ dân phố tuyên truyền, tư vấn và giải đáp thắc mắc… để người lao động có thêm cơ hội lựa chọn, tìm kiếm được việc làm phù hợp với điều kiện bản thân, gia đình. |
Tính đến nay, thị trấn Ea Pốk có 40 lao động đi làm việc ở nước ngoài; trung bình mỗi năm có từ 3 - 4 lao động XKLĐ, trong đó đồng bào DTTS chiếm 90%, chủ yếu là tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…, với các lĩnh vực: nông nghiệp, cơ khí, xây dựng. Qua rà soát của chính quyền địa phương, hầu hết lao động đi làm việc ở nước ngoài thường xuyên gửi tiền về phụ giúp gia đình phát triển kinh tế, trả nợ đầy đủ các khoản vốn vay trước đó, xây dựng nhà cửa và khi hết hợp đồng trở về quê nhà đều tích lũy được một số vốn khá để đầu tư phát triển sản xuất.
Kết quả này có được là nhờ chính quyền thị trấn đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động về cơ hội việc làm, thu nhập ở các thị trường lao động ngoài nước, hiểu rõ chỉ có việc làm bền vững mới giúp người lao động nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng chú trọng công tác hỗ trợ, hướng dẫn người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để tham gia XKLĐ; các thủ tục, thông tin về thị trường, nhu cầu việc làm để người dân hiểu, lựa chọn công việc phù hợp.
Anh Bùi Duy An (bìa phải) cùng với các đồng nghiệp tại Nhật Bản. |
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch UBND thị trấn Ea Pốk cho hay, thời gian tới, thị trấn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về XKLĐ, chú trọng cung cấp thông tin về thị trường lao động, hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi... Đồng thời, tích cực rà soát, thống kê danh sách số người trong độ tuổi lao động, tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu của lao động về việc làm ở nước ngoài. Từ cơ sở này sẽ chủ động kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị có chức năng đưa lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng uy tín, đúng quy định của pháp luật để tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp, có mức thu nhập ổn định.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc