Multimedia Đọc Báo in

Phát triển vật liệu xây dựng xanh: Xu hướng và thách thức (kỳ 2)

10:15, 19/07/2024

Kỳ 2: Thách thức trong phát triển vật liệu xanh

Mặc dù quá trình “xanh hóa” ngành vật liệu xây dựng (VLXD) đang trở thành xu hướng tất yếu và là đích đến của tỉnh, nhưng việc phát triển sản xuất, sử dụng VLXD phát thải thấp và hiệu quả năng lượng cho xây dựng trên địa bàn vẫn còn gặp không ít thách thức.

Doanh nghiệp gặp khó

Để bắt kịp xu thế sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất VLXD của cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng đang có những bước chuyển mình. Tuy nhiên, quá trình này còn đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức.

Theo Sở Xây dựng, trong 28 DN tiên phong sản xuất VLXD xanh (chủ yếu là gạch không nung) trên địa bàn tỉnh thì hiện nay có đến 12 cơ sở đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Lãnh đạo một DN sản xuất VLXD đã tạm dừng hoạt động trên địa bàn huyện Krông Bông chia sẻ, đơn vị chuyên sản xuất đá granite và lấy bột đá để làm nguyên liệu cho gạch không nung.

Tuy nhiên thời gian qua, việc khai thác đá không thực hiện được nên nhà máy sản xuất gạch không nung cũng phải “đóng băng” theo, cho dù đơn vị đã đầu tư dây chuyền sản xuất với công nghệ hiện đại. Trong khi đó, trên địa bàn huyện Krông Bông hiện nay không có cơ sở sản xuất gạch, các cửa hàng VLXD và người dân có nhu cầu đều phải mua từ các địa phương khác.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở sản xuất cát nhân tạo. (Trong ảnh: Khai thác cát tự nhiên tại khu vực cầu Giang Sơn, xã Yang Reh, huyện Krông Bông).

Cũng có hướng đi theo con đường sản xuất VLXD xanh, thậm chí đã lập đề án sản xuất nhưng một DN đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, phân phối VLXD tại Cụm công nghiệp Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn và những chính sách hỗ trợ khác đối với dự án sản xuất VLXD xanh. Đơn cử như chính sách cho vay vốn, theo quy định, những trường hợp chủ đầu tư chưa có tài sản, nhà đất, hoạt động DN mới được áp dụng cho vay vốn để đầu tư thực hiện dự án sản xuất VLXD xanh.

Trong khi hiện nay, hầu hết các chủ đầu tư có nhu cầu sản xuất VLXD xanh đều là DN hoặc cơ sở sản xuất và đều sở hữu nhà đất hoặc tài sản DN. Ngoài ra, các cơ chế chính sách hỗ trợ khác cho DN sản xuất VLXD xanh vẫn chưa toàn diện và còn nhiều bất cập trong quá trình thực hiện. Những bất cập trên đã cản trở không nhỏ đến quá trình “xanh hóa” ngành VLXD.

 

“Vật liệu xanh được đánh giá là loại vật liệu có nhiều ưu điểm, với nhiều chính sách khích lệ, hỗ trợ nhất định. Tuy nhiên hiện nay, loại vật liệu xây này vẫn chưa phát triển xứng tầm, người tiêu dùng vẫn chưa thực sự tin dùng, phần nhiều do tâm lý quen dùng gạch truyền thống lâu nay của người dân. Mặt khác, gạch không nung nặng hơn, các vấn đề xử lý kỹ thuật chưa tốt, kỹ thuật xây dựng chưa đồng bộ và giá thành cao hơn gạch đất sét nung” – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hùng.

Trong khi đó, theo một đơn vị chuyên sản xuất gạch không nung trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, hiện nhiều công trình trên địa bàn tỉnh hầu như không được thực hiện đúng các quy định đề ra.

Đơn cử là việc tuân thủ Chỉ thị 10/CT-TTg, ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 09/2012/TT-BXD (bổ sung Thông tư 13/2017/TT-BXD) của Bộ Xây dựng... về việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng để hỗ trợ DN chưa thực sự nghiêm đã gây khó khăn lớn cho việc sản xuất và tiêu thụ gạch xây không nung. Mặt khác, hiện trên thị trường VLXD có sự cạnh tranh của các nhà máy gạch nung truyền thống với vật liệu xây không nung, đặc biệt là các loại gạch sản xuất thủ công giá thành thấp. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho các DN sản xuất gạch không nung.

Đề cập đến những khó khăn trong quá trình xanh hóa ngành này, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hiệp, Viện trưởng Viện VLXD (Bộ Xây dựng) cho rằng, hiện nay chi phí đầu tư, cải tạo dây chuyền, thiết bị hiện có cho phù hợp với việc sản xuất các loại VLXD xanh là khá lớn, khiến nhiều DN gặp khó khăn trong việc cân đối chi phí tài chính để đầu tư.

Trong khi đó, khung khổ pháp luật hiện hành chưa có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho các DN nên chưa khuyến khích nhiều DN đẩy mạnh phát triển VLXD xanh. Bên cạnh đó, năng lực và trình độ công nghệ sản xuất VLXD xanh tại Việt Nam cũng còn hạn chế, trong khi giá thành sản phẩm còn cao nên chưa thể cạnh tranh mạnh mẽ với các loại vật liệu khác…

Tâm lý "e dè"

Bên cạnh những bất cập kể trên, hiện nay hầu hết người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh vẫn còn mơ hồ về các sản phẩm VLXD xanh, trong đó điển hình là gạch không nung. Ông Lê Ngọc Luận (thôn 7, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) chia sẻ, tâm lý của bà con hầu như đều nghĩ rằng, gạch là phải trải qua quá trình nung mới bảo đảm được độ bền và chắc chắn.

Hơn nữa, giá thành của gạch nung lại rẻ hơn gạch không nung nên người dân không muốn thay đổi. Vì vậy, người dân địa phương vẫn xây dựng theo cách truyền thống do thấy công trình, nhà ở vẫn bảo đảm bền, đẹp.

Còn đối với một số chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng những công trình lớn lại cho rằng, giá thành của VLXD xanh hiện cao hơn so với VLXD thông thường. Điều này có thể làm tăng giá thành công trình, trong khi năng lực tài chính cho đầu tư lại có hạn. Chưa kể hiện nay giá cả VLXD thông thường không ngừng tăng lên từng ngày đã khiến nhiều đơn vị thi công “đau đầu” trong việc cân đối chi phí.

Một lò gạch truyền thống hoạt động trên địa bàn thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana).

Theo Sở Xây dựng, hiện tại, sản phẩm gạch không nung trên địa bàn tỉnh phần lớn là cung cấp cho công trình, dự án xây dựng có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Đối với các công trình dân sinh, tỷ lệ gạch không nung chỉ chiếm từ 15 - 20% và tập trung vào các công trình phụ.

Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển sản xuất và sử dụng VLXD xanh khu vực miền Trung – Tây Nguyên”, Tiến sĩ Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam đã nhận định, thách thức lớn nhất trong phát triển VLXD xanh là việc sử dụng các sản phẩm VLXD phát thải thấp và hiệu quả năng lượng còn rất hạn chế, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm của các DN VLXD. Đồng thời, nhận thức của các chủ đầu tư, các nhà tư vấn thiết kế, của người sử dụng về VLXD phát thải thấp và hiệu quả năng lượng chưa đầy đủ, dẫn đến thói quen sử dụng các vật liệu truyền thống khó thay đổi.

Bộ Xây dựng cũng từng nhận định, mặc dù ngành VLXD những năm qua đã đạt được một số bước tiến nhất định, song sản xuất của Việt Nam vẫn chưa thực sự bền vững, còn bộc lộ những vấn đề bất cập cần được nghiên cứu khắc phục. Đầu tư phát triển một số chủng loại VLXD còn chưa hợp lý, hiệu quả chưa cao. Cùng với đó, việc nghiên cứu phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản chưa được chú trọng. Thậm chí, công nghệ sản xuất VLXD ở một số lĩnh vực còn lạc hậu; nhân lực kỹ thuật cũng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của ngành...

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Để vật liệu xây dựng xanh “cất cánh”

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc