Multimedia Đọc Báo in

Tăng trưởng kinh tế năm 2024: Áp lực lớn cho những tháng cuối năm

08:02, 11/07/2024

Trong 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều có mức tăng trưởng khá; tuy nhiên, để hoàn thành các chỉ tiêu của cả năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn cần tập trung tháo gỡ… Đó là những nội dung được các đại biểu xem xét, đánh giá tại Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh khóa X đang diễn ra.

Đánh giá sát chỉ tiêu, thực trạng

Theo báo cáo của UBND tỉnh trình tại Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh khóa X, 6 tháng đầu năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục có những bất ổn; biến đổi khí hậu cực đoan, thiên tai xảy ra bất thường, giá xăng dầu, vật tư phục vụ nông nghiệp không ổn định… đã tác động đến phát triển KT-XH, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành kịp thời của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình KT-XH của tỉnh trong 6 tháng đầu năm đạt được một số kết quả khả quan, các chỉ tiêu đánh giá đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó một số chỉ tiêu nổi bật như: Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 4.257 tỷ đồng, bằng 50,1% kế hoạch (KH), tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 53.000 tỷ đồng, bằng 53,11% KH, tăng 7,86% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 920 triệu USD, bằng 57,5% KH, tăng 17,4% so với cùng kỳ.

Hoạt động du lịch tăng trưởng khá; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 646 tỷ đồng, bằng 68% KH, tăng 13,53% so với cùng kỳ. Lĩnh vực văn hóa – xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác phòng, chống dịch bệnh được kiểm soát; các hoạt động văn hóa, đối ngoại tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Công tác lao động, việc làm và các chế độ, chính sách giảm nghèo, người có công được triển khai đầy đủ, kịp thời; chính sách dân tộc tiếp tục được quan tâm thực hiện.

Sản xuất hàng may mặc ở Khu công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Vạn Tiếp

Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cũng thẳng thắn nhìn nhận: Cùng với một số chỉ tiêu KT-XH đã đạt được rất khả quan thì vẫn còn những hạn chế như: Giá trị tổng sản phẩm ngành công nghiệp và dịch vụ còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao; thu hút đầu tư chưa đạt yêu cầu đề ra.

Việc triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh chậm so với KH. Thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh đạt rất thấp; lĩnh vực quản lý đất đai ở một số địa phương, nhất là tại các công ty nông lâm nghiệp còn nhiều tồn tại.

Tình trạng vi phạm tài nguyên rừng, xâm chiếm đất rừng trái phép diễn ra phức tạp; vẫn còn tình trạng khai thác khoáng sản, nhất là khai thác cát, đất, vật liệu xây dựng không đúng quy định. Chất lượng giáo dục ở một số địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số là những vấn đề cần quan tâm, tìm ra giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Áp lực lớn

Phân tích về tăng trưởng kinh tế, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế cho rằng: Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 25.493 tỷ đồng, tăng 4,13% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 39,8% KH; trong đó công nghiệp – xây dựng ước đạt 4.232 tỷ đồng, bằng 39,8% KH, tăng 4,52% (riêng công nghiệp ước đạt 2.787 tỷ đồng, tăng 3,34%, bằng 40,84% KH). Công nghiệp sản xuất, chế biến… được coi là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,34% so với cùng kỳ năm 2023 – đây là mức rất thấp.

Bên cạnh đó, dự kiến từ nay đến cuối năm chưa có nhà máy công nghiệp mới nào đi vào hoạt động hoặc tăng công suất để góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh; một số dự án lớn có thu tiền sử dụng đất thực hiện các thủ tục đấu giá, đấu thầu cần rất nhiều thời gian; thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh phục vụ thực hiện đầu tư công tiếp tục gặp khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện hoàn thành KH trong năm và tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng cho các quý cuối năm.

Đóng hàng sầu riêng xuất khẩu tại huyện Krông Pắc. Ảnh: Vạn Tiếp

Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,0 - 6,8%, nhiệm vụ còn lại trong 6 tháng cuối năm là khá lớn, UBND tỉnh cần đánh giá sát thực trạng, những khó khăn, vướng mắc để có sự điều chỉnh kịp thời các hoạt động quản lý, điều hành KT-XH; rà soát kịch bản tăng trưởng để có giải pháp cho các lĩnh vực tăng trưởng thấp.

Tập trung xử lý các vướng mắc về đất đai, nhất là khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực; tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, tập trung quyết liệt để giải ngân hết vốn đầu tư mà HĐND tỉnh đã giao cũng như các nguồn vốn của Trung ương; triển khai nhanh các dự án đầu tư công trọng điểm trên địa bàn tỉnh; tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai các dự án đã kêu gọi đầu tư; thực hiện kịp thời và đúng tiến độ vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm đạt mức cao nhất các chỉ tiêu KT-XH đã đề ra từ đầu năm.

Tại kỳ họp, nhiều giải pháp thiết thực cũng được đề ra. Trong đó, cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo thực hiện quyết liệt kế hoạch đầu tư công, sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, các thủ tục đầu tư để thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các nguồn vốn.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; giữ vững ổn định và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; xây dựng, quản lý, phát triển thương hiệu sản phẩm, mã số vùng trồng, sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu; thực hiện tốt kế hoạch thu ngân sách.

Đồng thời, tăng cường các giải pháp giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động; rà soát, đánh giá đúng thực trạng giáo dục hiện nay để có giải pháp khắc phục kịp thời; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gắn bảo đảm an ninh chính trị với an ninh nông thôn và an ninh tôn giáo…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.