Multimedia Đọc Báo in

Cải tiến kỹ thuật chăm sóc sầu riêng thích ứng với biến đổi khí hậu

14:26, 02/08/2024

Gia đình anh Phạm Văn Trọng (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) có hơn 8.000 m2 sầu riêng Ri6 năm thứ tám hiện đã bước vào vụ thu hoạch. Giống sầu riêng Ri6 thường cho thu hoạch sớm hơn giống Dona chừng 20 ngày trong cùng vụ.

Năm nay, vườn sầu riêng của gia đình anh Trọng ít rụng, ít sâu bệnh, năng suất tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước (ước tính sản lượng có thể đạt hơn 20 tấn quả), trái to đẹp (quả to nhất lên đến 5 kg) nên tiểu thương đã vào tận vườn đặt hàng, chốt giá rất sớm.

Anh Trọng kiểm tra vườn sầu riêng.

Anh Trọng chia sẻ, để vườn sầu riêng đạt được năng suất và chất lượng là nhờ anh đã rút được nhiều kinh nghiệm từ vụ mất mùa sầu riêng năm trước, từ đó cải tiến nhiều biện pháp tác động từ quá trình tưới tiêu, phân bón, tạo hình, quản lý sâu bệnh hại… Trong đó, anh đặc biệt chú trọng điều chỉnh các biện pháp chăm sóc sầu riêng thích ứng biến đổi khí hậu.

Về tưới tiêu, vào mùa khô, mỗi ngày anh tưới đều đặn một lần vào sáng sớm (từ 4 giờ sáng) hoặc chiều tối (từ 5 - 6 giờ chiều) với lượng nước tưới vừa đủ ẩm, thay vì trước kia vài ba ngày anh tưới một lần rất đẫm (tưới nhiều nước); nhất là thời kỳ làm bông, xổ nhị phải thường xuyên cung cấp đủ ẩm cho cây. Nhờ tưới đều đặn như vậy, được cung cấp đủ nước nên bộ rễ cây hoạt động ổn định trong việc hút dinh dưỡng nuôi cây trái. Việc duy trì độ ẩm của đất còn tạo điều kiện cho vi sinh vật trong đất hoạt động tốt, cùng với phân hữu cơ làm đất tơi xốp, giúp đất thoát nước và giữ nước tốt. Đặc biệt là hạn chế tối đa vấn đề cây sầu riêng bị sốc nhiệt làm rụng hoa, quả nếu bất chợt có mưa lớn xảy ra trong những ngày nắng nóng. Ngoài hệ thống tưới tiết kiệm lắp đặt ở từng gốc, anh Trọng còn mắc thêm các béc tưới trên cao để thỉnh thoảng phun nước khi trời nắng nóng kéo dài, hạn chế các đối tượng sâu hại phát sinh và lây lan như rầy, rệp sáp, nhện đỏ… gây hại trên lá, thân.

Về việc cung cấp dinh dưỡng cho sầu riêng, thay vì trước kia mỗi lần bón phân rất nhiều nhưng lại ít lần bón, vụ này anh Trọng bón ít phân lại, tăng thêm số lần bón để cây hấp thu dinh dưỡng đều đặn, không bị ngắt đoạn do thiếu dinh dưỡng, góp phần hạn chế rụng quả non. Đặc biệt, tăng lượng phân hữu cơ, hạn chế tối đa phân hóa học đã làm cho vi sinh vật trong đất hoạt động mạnh, bộ rễ hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, nuôi cây khỏe hơn, hạn chế sự rửa trôi xói mòn gây mất dinh dưỡng của đất.

Khi cây sầu riêng khỏe, sâu bệnh hại giảm tối đa, kéo theo việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm đáng kể, đặc biệt là giảm thuốc hóa học, bảo vệ chất lượng sản phẩm sầu riêng. Đồng thời, anh còn chú trọng việc tạo tán, làm cành, tỉa hoa, quả non… một cách hợp lý nhất, để cây đủ sức nuôi quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất và duy trì sự phát triển bền vững cho những vụ tiếp theo.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.