Multimedia Đọc Báo in

Lợi ích "kép" từ mô hình chăn nuôi dê

06:46, 06/08/2024

Mô hình chăn nuôi dê kết hợp trồng trọt đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân trên địa bàn huyện Cư Kuin.

Cư Kuin là vùng trọng điểm trồng hồ tiêu của tỉnh, với diện tích gần 4.650 ha, đa số người dân nơi đây đều trồng tiêu trên các trụ cây sống như: muồng, gòn, keo... Đây là điều kiện rất thuận lợi để bà con áp dụng mô hình nuôi dê kết hợp trồng tiêu, lá cây được sử dụng làm thức ăn cho dê và tận dụng nguồn phân chuồng để chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ.

Gia đình ông Vũ Kim Thịnh (thôn Kim Châu, xã Dray Bhăng) tận dụng lá cây trong vườn tiêu làm thức ăn cho dê.

Gia đình ông Vũ Kim Thịnh (thôn Kim Châu, xã Dray Bhăng) trồng nhiều loại cây trên diện tích 7 ha, nhưng hồ tiêu vẫn là chủ lực. Tuy nhiên, thời điểm vườn tiêu của gia đình ông bắt đầu cho thu hoạch cũng là giai đoạn giá loại nông sản này liên tục “lao dốc”, khiến chi phí đầu tư quay vòng bị hạn chế. Vì vậy, ông đã tìm cách khắc phục để vừa duy trì vườn tiêu, vừa cải thiện kinh tế của gia đình. Mô hình trồng tiêu kết hợp nuôi dê là giải pháp mà gia đình ông Thịnh đang triển khai và mang lại lợi nhuận khá.

Theo ông Thịnh, dê là loài ăn tạp, có thể ăn nhiều loại lá cây và cả phụ phẩm nông nghiệp. Đàn dê hơn 100 con của gia đình ông đều sử dụng các thực phẩm có sẵn trong vườn nhà nên không tốn quá nhiều chi phí để mua thức ăn. Không những vậy, ông Thịnh còn tận dụng nguồn phân dê để chăm bón cho vườn tiêu, giúp giảm thiểu chi phí vì phân dê giàu chất hữu cơ, góp phần cải tạo đất. Nhờ vậy, vườn tiêu của gia đình ông luôn xanh tốt, mỗi năm cho thu hơn 40 tấn tiêu, các loại cây trồng xen trong vườn cũng đạt năng suất cao.

Nhờ kết hợp trồng trọt và chăn nuôi dê, nhiều năm qua, kinh tế gia đình anh Vương Đình Ngụ (thôn 18, xã Ea Ktur) phát triển, sản phẩm làm ra được thị trường ưa chuộng. Anh Ngụ chia sẻ, nhờ tận dụng đất rộng và nguồn lá cây dồi dào, gia đình anh đã mở rộng quy mô chuồng trại để nuôi dê theo phương thức vỗ béo. Giống dê được anh chọn nuôi chủ yếu là giống dê Boer, với tốc độ tăng trưởng nhanh, năng suất thịt cao hơn so với các giống dê khác, khả năng kháng bệnh tốt và ăn được nhiều loại thức ăn khác nhau, giảm thiểu rủi ro kinh tế cho người chăn nuôi.

Anh Vương Đình Ngụ (thôn 18, xã Ea Ktur) tiêm phòng đầy đủ cho đàn dê để phòng, tránh các loại dịch bệnh.

Với cách làm hiệu quả trên, mỗi năm gia đình anh Ngụ xuất bán 4 lứa dê, với số lượng khoảng 500 con. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu về khoảng 150 triệu đồng. Từ nguồn tiền bán dê, gia đình anh có thêm điều kiện đầu tư vào trồng hồ tiêu, cà phê, sầu riêng. "Để vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt, tôi đã sử dụng phân dê làm nguồn phân bón chính cho các loại cây trồng trong vườn. Đây là giải pháp giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và quan trọng hơn là sản xuất theo hướng hữu cơ giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh, có tuổi thọ cao và bảo đảm năng suất luôn ổn định", anh Ngụ chia sẻ.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cư Kuin Nguyễn Lưu Tuệ cho biết, xu hướng tập trung vào mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng trọt, đặc biệt là nuôi dê đang mang lại lợi ích "kép" cho các hội viên nông dân. Những mô hình chăn nuôi hiệu quả đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc