Multimedia Đọc Báo in

Khai thác nguồn lực quỹ đất có nguồn gốc nông, lâm trường

08:10, 06/09/2024

Tỉnh Đắk Lắk có diện tích lớn đất có nguồn gốc nông, lâm trường. Tỉnh đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; thực hiện lập phương án, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả, bố trí đất ở, đất sản xuất cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Dư địa lớn chưa khai thác

Sau năm 1975, Đắk Lắk có 93 nông, lâm trường, quản lý hơn 63% diện tích tự nhiên của tỉnh. Sau khi chia tách tỉnh vào năm 2004 và qua các lần sắp xếp, đổi mới, trên địa bàn tỉnh hiện có 51 công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, vườn quốc gia, đang quản lý, sử dụng 515.026 ha (chiếm 39,4% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh).

Cụ thể, 29 công ty nông nghiệp (công ty cà phê, cao su) quản lý, sử dụng hơn 40.432 ha; 13 công ty lâm nghiệp quản lý gần 192.000 ha; 9 vườn quốc gia, ban quản lý rừng, khu bảo tồn thiên nhiên quản lý 282.705 ha.

Các nông, lâm trường đã rà soát, bàn giao 188.423 ha về địa phương quản lý, trong đó đất từ các lâm trường (có nguồn gốc đất lâm nghiệp) là 161.845 ha, đất từ các nông trường (có nguồn gốc đất sản xuất nông nghiệp) 26.587 ha. Đối với diện tích này, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND cấp huyện lập phương án quản lý, sử dụng hơn 35.828 ha, diện tích còn lại đang lập phương án.

Tuy nhiên, công tác thu hồi đất, thống nhất đồng bộ với thu hồi rừng gặp nhiều khó khăn do các công ty lâm nghiệp không có kinh phí thuê đơn vị tư vấn điều tra hiện trạng, chất lượng, trữ lượng rừng; một số địa phương chưa thống nhất với kết quả điều tra hiện trạng rừng, nên các công ty chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị thu hồi đất, thống nhất đồng bộ với thu hồi rừng.

Đất rừng sản xuất của một doanh nghiệp bị người dân lấn chiếm canh tác.

Cùng với đó, công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường gặp khó khăn do số lượng lớn dân di cư tự do đến khu vực đất rừng hoặc bìa rừng để sinh sống, lấn chiếm đất rừng canh tác, làm nhà ở, hình thành những khu dân cư, khu canh tác ổn định từ 10 – 20 năm. Hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, rừng, lâm nghiệp chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước một cách hiệu quả, khoa học.

Bên cạnh đó, tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, xung đột liên quan đến hợp đồng khoán giữa các hộ dân và công ty nông, lâm nghiệp diễn ra phức tạp; một số hộ nhận khoán tự ý chặt phá vườn cây để trồng loại cây khác, xây dựng nhà ở, công trình, sang nhượng đất trái phép.

 

Theo phản ánh của các địa phương, thực trạng đất có nguồn gốc nông, lâm trường khi bàn giao không còn rừng do đã bị người dân xâm canh, lấn chiếm từ trước đó. Mặt khác, các quyết định bàn giao trước đây không được bàn giao cắm mốc chi tiết trên thực địa. Đất khi bàn giao về địa phương chưa có phương án sử dụng đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, lập phương án kêu gọi thu hút đầu tư.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, sớm hoàn thành thủ tục thu hồi, bàn giao diện tích đất của nông, lâm trường không còn nhu cầu sử dụng về cho địa phương quản lý; phê duyệt phương án sử dụng đất có nguồn gốc đất nông, lâm trường; triển khai hiệu quả Nghị quyết 22/NQ-CP, ngày 1/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường; giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình 1719).

Tỉnh Đắk Lắk kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét, hướng dẫn thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất hiện tại các doanh nghiệp (DN) cổ phần hóa đang quản lý, sử dụng có nguồn gốc do các DN nhà nước quản lý, đã xác định giá trị DN khi cổ phần nhưng chưa đưa vào phương án sử dụng đất đã được phê duyệt; xem xét, hỗ trợ địa phương thực hiện nhiệm vụ phúc tra, đánh giá hiện trạng rừng đối với diện tích đất tại các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, vườn quốc gia bàn giao về địa phương quản lý để sớm hoàn thành thu hồi đất đồng bộ với thu hồi rừng; bố trí ngân sách Trung ương để tỉnh xây dựng đề án đánh giá chất lượng, trữ lượng rừng còn lại trên địa bàn tỉnh, gắn với cơ sở dữ liệu về đất đai, phục vụ công tác quản lý hiệu quả đất lâm nghiệp.

Khu vực đất rừng sản xuất do một doanh nghiệp quản lý trên địa bàn huyện Lắk bị người dân lấn chiếm để canh tác.

Hướng mở từ Luật Đất đai 2024

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 sẽ là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai nói chung và đất có nguồn gốc nông, lâm trường nói riêng. Trong Luật Đất đai 2024 có Điều 181 quy định chế độ sử dụng đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng.

Theo đó, mở rộng các đối tượng sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường được xem xét công nhận quyền sử dụng đất so với quy định hiện hành như: Công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp mà có nguồn gốc là đất được các nông, lâm trường hay các công ty nông, lâm nghiệp giao, giao khoán, khoán trắng, thuê đất, mượn của nông, lâm trường trước ngày 1/2/2015.

Các trường hợp giấy tờ của nông, lâm trường quốc doanh về việc giao đất để làm nhà ở hoặc làm nhà ở kết hợp với sản xuất nông, lâm nghiệp trước ngày 1/7/2004 thì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Quy định này sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc liên quan khi thực hiện các công cụ quản lý đất đai đối với nhóm đối tượng đang sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp mà có nguồn gốc là đất được các nông, lâm trường hay các công ty nông, lâm nghiệp giao, giao khoán, khoán trắng, thuê đất, mượn của nông, lâm trường trước ngày 1/2/2015.

Một khu dân cư hình thành trên đất lâm nghiệp tại xã Đắk Nuê (huyện Lắk).

Tỉnh Đắk Lắk có đặc thù là số lượng đồng bào DTTS lớn đang thiếu đất ở, đất sản xuất, trong khi quỹ đất có nguồn gốc nông, lâm trường chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả. Luật Đất đai năm 2024 đã thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS; quy định nhiều chính sách hơn, rõ ràng hơn, nhân văn hơn đối với đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, thể hiện rõ trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong ban hành chính sách luôn hướng đến quyền lợi của đồng bào DTTS, luôn vì mục đích "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Cụ thể, Luật có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu; chính  sách hỗ trợ đất đai lần hai để bảo đảm ổn định cuộc sống đối với cá nhân là người DTTS đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất lần đầu nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức; chính sách giao đất sinh hoạt cộng đồng.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương phối hợp với các sở, ngành để xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh thông qua để tổ chức thực hiện.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.