Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn:

Nghề may công nghiệp thu hút nhiều lao động nữ

08:35, 28/10/2024

Nghề may công nghiệp đang được nhiều lao động nông thôn trên địa bàn huyện Buôn Đôn chọn lựa theo học bởi nhận thấy cơ hội, triển vọng có việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Theo ông Hà Ngọc Hướng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Buôn Đôn, so với các nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng thì nghề may công nghiệp luôn là ưu tiên lựa chọn của nhiều lao động nữ. Trên thực tế, trong khi các ngành nghề khác khá khó khăn trong công tác tuyển sinh, phải chờ đợi, gộp học viên để có đủ điều kiện mở lớp thì các khóa đào tạo nghề may công nghiệp được tổ chức gối đầu, liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu của học viên.

Sau khi học xong chương trình THCS, không có điều kiện để tiếp tục học lên nữa nên em Hoàng Thị Ánh Tuyết (thôn 11, xã Ea Bar) đã quyết định theo học nghề may công nghiệp. Em cho hay, qua tìm hiểu em được biết ở Việt Nam ngành may mặc được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, hiện nhu cầu tuyển dụng lao động ở các nhà máy, công ty là rất lớn. Do đó, em và người bạn đồng trang lứa là Dương Thị Tâm (ở xã Cuôr Knia) đã đăng ký tham gia khóa đào tạo nghề may công nghiệp, mong muốn sau khi học thành nghề sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm ở các công ty may mặc không chỉ ở trong tỉnh mà còn ngoài tỉnh, tại các khu công nghiệp lớn...

Học viên tham gia học may công nghiệp tại xã Ea Bar.

Chị Lê Thị Hữu (thôn 10, xã Ea Bar) cho hay, may công nghiệp đòi hỏi tính tỉ mỉ, cẩn trọng, phù hợp với phụ nữ, mà chi phí đầu tư sau đào tạo nghề cũng không nhiều, trong điều kiện kinh tế cho phép. Bản thân chị lớn tuổi, phải chăm lo cho gia đình nên học nghề may công nghiệp để vừa phục vụ nhu cầu của chính gia đình, vừa có thể tranh thủ thời gian nhàn rỗi nhận may gia công, cải thiện thu nhập. Trên thực tế, ở xã Ea Bar có nhiều trường hợp chị em sau đào tạo nghề đã có thêm thu nhập từ 2 – 3 triệu đồng/tháng nhờ may gia công tại nhà.

Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề may công nghiệp trên địa bàn huyện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện đã đầu tư kinh phí, mua sắm trang thiết bị đầy đủ, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng; chú trọng nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên giảng dạy. Trung tâm đặc biệt chú trọng khâu tuyển sinh, bố trí các khóa đào tạo một cách khoa học và linh hoạt nhằm tạo điều kiện tối đa cho học viên tham gia.

Căn cứ thực tế nhu cầu, hoàn cảnh học viên, trung tâm tổ chức đào tạo ngay tại chỗ bằng cách mượn hội trường các thôn, lắp đặt hệ thống máy móc để dạy. Lớp học được chia thành 2 ca, học viên có thể  lựa chọn thời gian biểu phù hợp, bảo đảm không bỏ tiết, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Bên cạnh đó, trung tâm phối hợp với các đơn vị liên quan giúp học viên thuận lợi, nhanh chóng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, giải quyết việc làm sau đào tạo; chủ động phối hợp, kết nối với các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc trong và ngoài tỉnh đến địa phương đặt hàng, tìm kiếm lao động. Nhiều học viên sau  đào tạo nghề đã có việc làm tại các công ty, doanh nghiệp này với mức thu nhập ổn định.

Thảo Nhi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.