Multimedia Đọc Báo in

Phấn đấu thu hồi toàn bộ đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trong năm 2026

16:44, 25/10/2024

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, đến cuối năm 2026, 100% diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trên địa bàn tỉnh sẽ được thu hồi.

Cụ thể, đến quý 4/2025, tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, cưỡng chế thu hồi 30% diện tích đất lấn chiếm; từ quý 1/2026 đến quý 2/2026, thu hồi tiếp 30% diện tích; từ quý 3/2026 đến quý 4/2026, thu hồi 40% diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm còn lại trên địa bàn.

UBND tỉnh giao các huyện thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc, chỉ đạo UBND cấp xã thành lập tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm tại địa bàn quản lý và tổ chức thực hiện công tác xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm tại các địa phương; thực hiện giải quyết hoặc báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, nhất là công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp lấn, chiếm đủ điều kiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.

Một khu vực đất lâm nghiệp tại xã Ea Bung, huyện Ea Súp trước đây bị người dân lấn chiếm hiện đã được  người dân tự nguyện bàn giao lại
Một khu vực đất lâm nghiệp tại xã Ea Bung (huyện Ea Súp) trước đây bị lấn, chiếm hiện đã được người dân tự nguyện bàn giao lại.

Sở NN-PTNT hướng dẫn UBND cấp huyện trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Công an tỉnh chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với UBND cấp huyện tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân tự nguyện trả lại đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm; chủ động nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng.

Đối với các chủ rừng, chủ dự án nông lâm nghiệp, chủ động kiểm tra, rà soát, tổng hợp, báo cáo UBND cấp xã về các trường hợp lấn, chiếm đất trái phép trên diện tích được giao quản lý, sử dụng qua các thời kỳ; kịp thời phát hiện, báo cáo với tổ công tác cấp xã về những trường hợp lấn, chiếm đất mới phát sinh.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, tại một số địa phương, công tác kiểm tra, xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp có nguồn gốc từ nông lâm trường bị lấn, chiếm chưa được quan tâm đúng mức, chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa cụ thể, sát sao, nhiều địa phương còn buông lỏng công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Tình trạng đất lâm nghiệp do nhà nước quản lý và của các doanh nghiệp được Nhà nước giao, cho thuê bị lấn, chiếm trong thời gian dài nhưng chưa được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Việc xử lý, thu hồi những diện tích này nhằm tăng cường, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai; xử lý nghiêm, quyết liệt, có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, nhất là hành vi lấn, chiếm đất lâm nghiệp. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, doanh nghiệp và chủ rừng.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.