Thận trọng với “cơn sốt” Temu!
Người dùng mạng xã hội những ngày qua sôi động với những thông tin lan tỏa về sàn thương mại điện tử Temu từ Trung Quốc xâm nhập vào thị trường Việt Nam, với chính sách bán hàng hấp dẫn thu hút người dùng. Tuy nhiên, với cơ hội mua sắm hàng hóa đầy ưu đãi này, người tiêu dùng trong nước nên có những thận trọng cần thiết.
Giá rẻ mọi khoản?
Hai tuần qua, Temu đã thành “sàn mua sắm” nổi cộm với hàng nghìn tài khoản đăng ký mỗi ngày. Với chủ trương mở rộng thị phần, sàn Temu thực sự đang tạo sức lấn át với người tiêu dùng Việt Nam, khi vừa xuất hiện đã có chương trình ưu đãi “giảm giá đến 90%”. Rất nhiều mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt về gia dụng, điện tử đăng trên trang web và app Temu đều có giá cực thấp, thậm chí rẻ đến 50% so với các sàn Shopee, Lazada… Khi người dùng lập tài khoản và đặt hàng, các mức giá còn giảm hơn nữa. Tất cả đã tạo nên một cơn sốt “đu trend” mạnh mẽ đối với người tiêu dùng.
Giải thích hiện tượng giảm giá “cực sốc” này, một số doanh nghiệp thương mại nhìn nhận, lợi thế của các sàn thương mại Trung Quốc là lượng hàng hóa nhiều, chính sách bán sỉ cực lớn và đa dạng, áp dụng nhiều thủ thuật linh hoạt. So với các cửa hàng truyền thống, nhất là với hàng nội địa, lượng hàng hóa công nghiệp Trung Quốc thật sự áp đảo về giá cả, mẫu mã, chính sách mua hàng...
“Ở sàn Temu, họ còn dùng ưu thế hàng xuất xưởng, giao tận tay người dùng qua đường logistics nhanh gọn, miễn phí… Tất cả đánh trúng tâm lý “chuộng rẻ” của nhiều người, nên rất nhiều người lập tức chấp nhận sàn này”, một chủ doanh nghiệp nhập khẩu lớn tại Đà Nẵng nhìn nhận. Bản thân người này thừa nhận, với giá cả rao bán đang có, Temu cũng sẽ là điểm chọn mua hàng của đơn vị ông.
Temu xuất hiện tại Việt Nam với quảng cáo nhiều mặt hàng giảm giá đến 90%. Ảnh: Reuters |
Thế mạnh của Temu còn được khai thác dữ dội hơn qua chính sách giao hàng và bán hàng “đáp ứng mọi yêu cầu”. Một số người đã mua hàng ở sàn này xác nhận, bất kỳ khiếu nại nào của họ qua giao dịch điện tử, về chất lượng hàng hóa nhận được, đều được trả lời: Sàn xin hoàn lại tiền đã mua mà không cần gửi lại hàng hóa. Điều này, thật sự gây sốc với nhiều người!
Thận trọng về tài chính tiêu dùng
Phía sau những đánh giá lợi thế từ sàn Temu, một số chuyên gia tư vấn tài chính bày tỏ quan ngại và lưu ý người dùng về vấn đề tài chính tiêu dùng. Điều này dựa vào điều kiện đăng ký tài khoản mua hàng của Temu: Ưu tiên người dùng sử dụng các thẻ tín dụng trả trước.
Một số cá nhân có kinh nghiệm sử dụng thẻ ngân hàng chia sẻ, họ thử đăng nhập vào Temu và đến điều khoản cuối cùng, để hoàn tất đăng ký, là cung cấp số thẻ ngân hàng và mã bí mật, họ nhận ra nguy cơ ẩn giấu rất lớn nên dừng lại. “Một khi mã bảo mật bị lộ, tài khoản rất dễ bị tấn công, và do chính chủ thẻ tự nguyện cung cấp, nên Temu sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu phát sinh các giao dịch tiếp theo”, anh Trần Q., một người tiêu dùng ở Hà Nội nhận định.
Như vậy, theo nhận định này, việc giao dịch mua hàng, cung cấp các tài khoản thẻ tín dụng trả trước cho sàn giao dịch Temu là đồng nghĩa với nguy cơ người tiêu dùng bị lộ thông tin, rất dễ xảy ra những nguy hiểm về tài chính. Điều này thật sự cần được cảnh báo đến đông đảo người dùng đang bị “mờ mắt” bởi những chính sách hấp dẫn từ sàn giao dịch thương mại “không biên giới”.
Hơn nữa, theo nhìn nhận của một số chuyên viên tư vấn tiêu dùng, không phải món hàng nào qua giao dịch thương mại điện tử cũng thật sự rẻ. Phần lớn hàng hóa được niêm yết đều có thể là hàng “lỗi mode”, đã sản xuất từ lâu trong các kho hàng công nghiệp, mà các doanh nghiệp Trung Quốc đều “muốn đẩy đi để giải phóng kho bãi”. Các khoản chi phí phát sinh được giảm thiểu là động cơ để các doanh nghiệp này chấp nhận “sales 90% giá”.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là tốc độ phát triển nhanh của các sàn giao dịch thương mại bên ngoài đồng nghĩa với nguy cơ tiêu cực với hàng hóa sản xuất trong nước. “Các đơn vị làm hàng nội địa không thể chống nổi ưu thế hàng công nghiệp Trung Quốc, nay với những hiện tượng bùng nổ như Temu, sẽ càng nhanh đi đến suy sụp đổ vỡ hệ thống sản xuất. Chúng ta sẽ phải lệ thuộc lớn hơn vào hàng hóa bên ngoài và dẫn đến nhiều hệ lụy khác”, một lãnh đạo Sở Công Thương TP. Đà Nẵng lo ngại.
Rõ ràng, với hiện trạng sản xuất trong nước chưa thực sự ổn định, thời gian qua đã chịu nhiều tác động bất ổn từ khủng hoảng kinh tế, những dao động lớn với các sàn thương mại ngoại biên rất cần nhận được sự quan tâm điều chỉnh của các cấp quản lý, và sự thận trọng của chính người tiêu dùng. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước đang cần những chính sách và điều kiện hỗ trợ nào nhằm chỉnh đốn lại năng lực và đủ khả năng chống chọi với các làn sóng tiêu dùng từ bên ngoài vào, điều này thật sự không dễ giải đáp, nếu thiếu đi sự hợp tác mạnh mẽ, thống nhất từ nhiều nguồn lực đầu tư và chính sách quản lý.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc