Để nông nghiệp Tây Nguyên vững tiến
Để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp của Tây Nguyên cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả đến từ nhiều thành phần liên quan. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã ghi nhận ý kiến của một số nhà quản lý, doanh nghiệp (DN) về vấn đề này.
♦ Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT): Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi
Tây Nguyên là vùng trọng điểm hiện rất được Đảng và Nhà nước quan tâm và là một điểm tựa vững chắc trong phát triển nông nghiệp của cả nước. Trong lĩnh vực chăn nuôi, khu vực Tây Nguyên đáp ứng được nhiều tiêu chí để phát triển chăn nuôi gia súc tập trung, quy mô công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh, xa khu dân cư. Nhằm phát huy lợi thế này, Cục Thú y sẽ làm việc với các tỉnh Tây Nguyên để xây dựng và hình thành những chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, kiến tạo lại vùng chăn nuôi theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường và an toàn, minh bạch đối với người tiêu dùng. Bởi chúng ta không thể nhìn mãi ở cái sân của mình (vùng Tây Nguyên) mà phải vươn ra thị trường thế giới để định vị sản phẩm xanh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
♦ Ông Đặng Ngọc Hương, Giám đốc Hợp tác xã Đăk Hà (tỉnh Đắk Nông): Doanh nghiệp cần mạnh dạn chuyển đổi xanh
Được thành lập vào năm 2021, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Công nghệ cao Đăk Hà là một trong những đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam nhằm mang đến những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn và giàu dinh dưỡng; đồng thời tối ưu hóa quy trình sản xuất nhằm bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Hiện tại, HTX có 4 trang trại ở Đắk Nông và 1 trang trại ở Gia Lai, với tổng diện tích gần 200 ha. Chúng tôi đang lên kế hoạch mở rộng diện tích canh tác thêm 500 ha trong vòng hai năm tới sau khi làm việc với các cơ quan địa phương để phù hợp với xu hướng thúc đẩy phát triển chuyển đổi sản xuất nông nghiệp xanh hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Chúng tôi mong nhiều hơn nữa các DN dám chuyển đổi và hành động mạnh mẽ cho mục tiêu này.
♦ Ông Trần Gia Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT): Cần đổi mới cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp
Hiện nay, số lượng DN nông lâm thủy sản chỉ chiếm 1,8% trong tổng số DN cả nước.
Hầu hết các DN này có quy mô nhỏ, năng lực về tài chính hạn chế, trình độ công nghệ rất khiêm tốn, tiếp cận tín dụng để mở rộng sản xuất và đổi mới công nghệ còn khó khăn.
Do đó, phải cơ cấu lại DN nhà nước, các công ty nông lâm nghiệp nhằm tạo cơ hội thu hút đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông thôn của vùng Tây Nguyên.
Đồng thời, đổi mới cơ chế hỗ trợ DN bằng việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, tạo động lực mới cho phát triển; tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, đầu tư, hợp tác công tư; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh để tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN…
Thuận Nguyễn (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc