Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác qua Hội Nông dân

10:01, 13/11/2024

Là cầu nối chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hội viên nông dân, những năm qua, Hội Nông dân huyện Cư Kuin đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thực hiện hiệu quả việc ủy thác cho vay. Nhờ đó, nhiều hội viên đã có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế.

Là một trong số những hộ có hoàn cảnh khó khăn ở buôn Ea Bhốk (xã Ea Bhốk), gia đình anh Y Thih Ksơr vẫn luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, chăm lo phát triển kinh tế. Anh Y Thih tâm sự, vào năm 2018, vợ anh được bác sĩ chẩn đoán mắc căn bệnh tan máu bẩm sinh. Đây là một cú sốc rất lớn đối với gia đình, bởi cả hai vợ chồng đều là lao động chính trong nhà. Đến năm 2023, bi kịch lại ập đến khi con gái út mới 7 tuổi của anh cũng mắc căn căn bệnh di truyền từ mẹ.

Giữa muôn vàn khó khăn chồng chất, anh Y Thih vẫn luôn cố gắng gồng gánh mọi thứ, làm việc cật lực để duy trì cuộc sống cho cả nhà. Năm 2021, thông qua Hội Nông dân huyện Cư Kuin, anh được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH theo Chương trình cho vay ưu đãi hộ nghèo để đầu tư vào sản xuất, cải thiện đời sống. Với số vốn này, anh đã có thêm điều kiện để đầu tư, chăm sóc 5 sào cà phê, trồng xen canh hồ tiêu. Nhờ cần cù, chăm chỉ và biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên vườn cây của gia đình anh phát triển tốt, cho năng suất cao. “Thời điểm này, cà phê đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch chính, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình tôi để trang trải cuộc sống, mong sớm có ngày vươn lên thoát nghèo”, anh Y Thih hy vọng.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cư Kuin Nguyễn Lưu Tuệ kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay của hội viên nông dân tại buôn Kpung (xã Hòa Hiệp)

Gia đình ông Y Krai Bdap, hội viên nông dân ở buôn Kpung (xã Hòa Hiệp) là một trong những hộ tiêu biểu trong việc sử dụng nguồn vốn vay một cách hiệu quả. Năm 2019, ông mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Sau khi nhận được nguồn vốn, ông đã xây dựng chuồng trại, mua con giống, đồng thời tận dụng nguồn cỏ tự nhiên để nuôi bò, giúp đàn vật nuôi phát triển mạnh khỏe.

Sau hai năm, bò mẹ đã sinh con bê đầu tiên và gia đình ông Y Krai giữ lại để tiếp tục tăng đàn. Nhận thấy mô hình nuôi bò sinh sản mang lại hiệu quả rõ rệt, năm 2021, từ nguồn thu nhập bán bê con, ông đã hoàn trả toàn bộ số tiền đã vay trước đó và tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi. “Nhờ nguồn vốn vay này, hiện đàn bò của gia đình tôi đã phát triển lên 7 con, thu nhập hằng năm từ việc bán bê con và phân bò được hàng chục triệu đồng. Đặc biệt, chúng tôi đã xây dựng được một căn nhà khang trang, rộng rãi, có thêm điều kiện để lo cho con cái ăn học và xóa tên gia đình ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương”, ông Y Krai chia sẻ.

Hội viên nông dân xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) chăm sóc vườn cây được đầu tư từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tương tự, gia đình bà Hồ Thị Thu Vân (thôn Kim Châu, xã Dray Bhăng) cũng là một trong những hội viên nông dân sử dụng nguồn vốn vay CSXH để phát triển kinh tế gia đình. Bà Vân cho hay, gia đình bà có 1 ha trồng hồ tiêu. Những năm gần đây, thị trường hồ tiêu đã trải qua nhiều biến động, nhiều thời điểm giá cả lao dốc, kèm theo tình trạng cây hồ tiêu bị bệnh chết nhanh, khiến việc duy trì và chăm sóc vườn tiêu trở nên rất khó khăn. Trước tình hình đó, vào năm 2020, bà đã quyết định vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để mua phân bón và phục hồi lại vườn cây. Nhờ vào sự kiên trì và nỗ lực không ngừng, vườn tiêu của gia đình bà đã bắt đầu khởi sắc trở lại. “Nếu không có sự hỗ trợ này, có lẽ gia đình tôi đã không thể giữ lại được vườn tiêu. Mùa tiêu năm nay, gia đình tôi thu về gần 5 tấn tiêu, sau khi trừ chi phí lãi được cả trăm triệu đồng”, bà Vân phấn khởi nói.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cư Kuin Nguyễn Lưu Tuệ cho biết, Hội Nông dân huyện đang quản lý 68 tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ ủy thác hơn 146 tỷ đồng, với 3.940 hộ vay. Nhờ vào nguồn vốn này, người dân đã phát huy hiệu quả trong việc chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng các mô hình kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng các tổ hội nghề nghiệp về chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời, đề nghị Ngân hàng CSXH huyện phân bổ thêm nguồn vốn để hội viên nông dân có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn được nhiều hơn.

Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.