Mục tiêu tăng trưởng tín dụng gặp nhiều thách thức
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 của ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh là 12 - 14%. Tuy nhiên đến nay, tốc độ tăng trưởng không như kỳ vọng đang đặt ra thách thức lớn trong việc hoàn thành mục tiêu này.
Khả năng hấp thụ vốn thấp
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk (NHNN) cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay đang khá chậm. Mặc dù không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm như tăng trưởng tín dụng của cả nước ở một số thời điểm, nhưng ghi nhận tăng trưởng tín dụng trên địa bàn là không cao. Cụ thể, tháng 1/2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh là 0,08% so với cuối năm 2023; đến hết quý 1/2024 tăng 0,78%; quý 2/2024 tăng 2,58% và đến hết tháng 10/2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 3,74%.
Bên cạnh tốc độ tăng trưởng không cao, cơ cấu tín dụng cũng cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế của tỉnh cũng khá thấp. Trong 157.500 tỷ đồng dư nợ tín dụng toàn địa bàn, dư nợ cho vay ngắn hạn là 109.700 tỷ đồng (chiếm 69,65% tổng dư nợ, tăng 6,24% so với đầu năm); dư nợ cho vay trung, dài hạn 47.800 tỷ đồng (chiếm 30,35% tổng dư nợ cho vay, giảm 1,57% so với đầu năm).
Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Bắc Đắk Lắk. Ảnh: Thế Hùng |
Đặc biệt, ngoài cho vay nông nghiệp, nông thôn (tăng 5,86% so với đầu năm) và tín dụng chính sách xã hội (tăng 8,7% so với đầu năm), các chương trình tín dụng có tác động đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên địa bàn đều giảm so với đầu năm. Cụ thể, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa 20.000 tỷ đồng (chiếm 12,7% tổng dư nợ toàn địa bàn, giảm 3,36% so với đầu năm); cho vay xuất khẩu 1.000 tỷ đồng (chiếm 0,63% tổng dư nợ toàn địa bàn; giảm 53,77% so với đầu năm). Cùng với đó, nhiều chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ cũng khó khăn trong việc triển khai.
Chẳng hạn, Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ (Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng), mặc dù các ngân hàng thương mại nhà nước đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, chủ động giới thiệu chương trình cho vay đến nhà đầu tư và khách hàng có nhu cầu, nhưng đến nay, trên địa bàn chỉ có 2 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay ưu đãi theo chương trình này. Do đó hiện chỉ có Agribank Chi nhánh Bắc Đắk Lắk đã tiếp cận 30 khách hàng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội thuộc Dự án Khu dân cư Hà Huy Tập (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột), các ngân hàng còn lại chưa nhận được đề nghị vay vốn của chủ đầu tư và người mua nhà.
Hay Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo Công văn số 5631/NHNN-TD, ngày 14/7/2023 của NHNN, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã bám sát chỉ đạo của NHNN và văn bản hướng dẫn của hội sở để triển khai tại đơn vị và các đơn vị trực thuộc trên địa bàn. Tuy nhiên đến nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn vẫn chưa phát sinh dư nợ cho vay theo chương trình này…
Nỗ lực cải thiện tăng trưởng
Lãnh đạo một chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trên địa bàn tỉnh khẳng định, khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại hiện nay hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế. Quan trọng lúc này là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Do đó để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đơn vị đã chủ động triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi cho các phân khúc, đối tượng ưu tiên: chương trình cho vay ngắn hạn ưu đãi; chương trình cho vay lãi suất cố định; chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa; hộ kinh doanh…
Cùng với công cụ lãi suất, nhiều ngân hàng đã nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, nhất là đẩy mạnh số hóa quy trình cho vay để rút giảm đáng kể thời gian xét duyệt và thẩm định cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi nhất với nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Việc số hóa quy trình cho vay không chỉ cải thiện hiệu quả hoạt động mà còn mở rộng phạm vi tiếp cận, cho phép ngân hàng phục vụ nhiều đối tượng khách hàng hơn, bao gồm cả những khách hàng ở khu vực xa xôi.
Cán bộ Agribank Đắk Lắk kiểm tra hiệu quả vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp tại huyện Krông Bông. |
Ngoài ra, để đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Thông tư 02/2023/TT-NHNN, ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn (đã được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 06/2024/TT-NHNN) và quy định nội bộ của hội sở tại đơn vị. Đến ngày 31/9/2024, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 177 lượt khách hàng với tổng dư nợ được cơ cấu lại hơn 248 tỷ đồng, số tiền lãi được cơ cấu lại gần 19 tỷ đồng.
Mục tiêu tăng trưởng 12 - 14% là con số định hướng trong điều hành, không phải con số áp đặt nhưng kết quả tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh đến nay cho thấy nỗ lực đưa vốn vào thị trường đang rất khó khăn. Mặc dù vậy, với quy luật tăng trưởng tín dụng có tính mùa vụ như ở Đắk Lắk, ngành ngân hàng vẫn rất kỳ vọng có thể đạt được mục tiêu đã đề ra. Theo chia sẻ của nhiều đại diện ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, cùng với nỗ lực của phía ngân hàng trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, quan trọng nhất lúc này là làm sao để cộng đồng doanh nghiệp và người dân mở rộng đầu tư, góp phần tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc