Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao giá trị nông sản địa phương

08:27, 08/11/2024

Tuần lễ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2024 (gọi tắt là Tuần lễ) do Hội Nông dân tỉnh tổ chức từ ngày 30/10 đến ngày 3/11 là sự kiện nhằm nâng cao vai trò của tổ chức hội nông dân các cấp trong việc quảng bá các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh, đồng thời tạo cơ hội kết nối giữa các nhà sản xuất với người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Những câu chuyện nông sản

Tại mỗi không gian trưng bày ở Tuần lễ, các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), doanh nghiệp, nông dân đã thông tin đến khách hàng về vùng trồng, quy trình chế biến và những câu chuyện sản xuất. Đó là hành trình dựa trên đặc trưng vùng địa lý, các yếu tố lịch sử, văn hóa cùng với phương thức sản xuất để kết tinh ra sản phẩm mang nhiều nét đặc trưng riêng, nổi bật.

Từ những cách làm này, các chủ cơ sở sản xuất không chỉ mang sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng mà còn biến các sản phẩm đặc trưng của địa phương trở thành sản phẩm kinh tế - văn hóa, không còn là sản phẩm kinh tế thuần túy.

Là một thành viên của cộng đồng người Thái ở xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột), bà Lù Thị Hạnh vẫn luôn mong muốn lưu giữ, giới thiệu nhiều phong tục, nét văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc mình. Đó cũng chính là lý do thôi thúc bà khởi nghiệp với ẩm thực Thái vào năm 2015, đưa những món ăn đặc sản của vùng Tây Bắc đến với cộng đồng các dân tộc sinh sống trên cao nguyên Đắk Lắk.

Mang đến Tuần lễ các món ăn đặc trưng của thương hiệu “Thái Ban Mê” như thịt gác bếp, xôi nếp cẩm, rượu nếp, gian hàng của bà Hạnh luôn thu hút rất đông thực khách. “Các sản phẩm của “Thái Ban Mê” luôn được chế biến từ những nguyên liệu, gia vị mang hương vị đặc trưng của núi rừng vùng Tây Bắc. Đó không chỉ là món ăn đơn thuần mà với tôi, đó còn là ký ức, là tình yêu quê hương”, bà Hạnh tâm sự.

Ông Đào Trọng Mười giới thiệu các sản phẩm của thương hiệu Mười Quý đến khách hàng.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nước mắm gần 80 năm ở huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), ông Đào Trọng Mười có tuổi thơ gắn liền với những chum mắm của ngoại, của mẹ. Khi lớn lên, được mẹ truyền lại bí quyết gia truyền, ông Mười quyết tâm nối nghiệp gia đình. Năm 2012, ông đầu tư mở rộng quy mô sản xuất rồi thành lập Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và dịch vụ Mười Quý vào năm 2018.

Ông Mười cho biết, cái tên Mười Quý được ghép giữa tên ông - Đào Trọng Mười và mẹ ông – bà Nguyễn Thị Quý. Đó không chỉ thể hiện sự gắn bó của tình mẫu tử, mà còn là sự tiếp nối truyền thống và là mong ước về sự phát triển đi lên của thương hiệu nước mắm Bà Quý gia truyền.

 

“Tuần lễ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp là hoạt động thường niên, mang lại nhiều giá trị thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp, người nông dân và cả nền kinh tế địa phương. Đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm và là bước đệm quan trọng để nông nghiệp Đắk Lắk ngày càng phát triển, hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế” - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ya Toan Ênuôl.

Công ty Mười Quý hiện có hai dòng sản phẩm chính là nước mắm nhĩ và mắm nêm. Mắm Mười Quý được chọn lựa từ những nguyên liệu tươi ngon nhất và được ủ trong thùng gỗ theo phương pháp truyền thống gài nén tự nhiên, thành phẩm sẽ cho ra giọt nước mắm màu đỏ nâu cánh gián, mùi thơm đặc trưng, đậm đà, hậu vị ngọt, hoàn toàn tự nhiên, nguyên bản.

Bên cạnh việc giới thiệu hai sản phẩm bún khô và phở khô đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng - Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) còn mang đến câu chuyện về lưu giữ làng nghề truyền thống tại Tuần lễ. Theo ông Hà Văn Tuyến, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng, HTX hiện có 9 thành viên đều từ tỉnh Bắc Giang vào Đắk Lắk lập nghiệp. Hơn 20 năm qua, từ làm bún, phở khô để mưu sinh, họ đã tạo nên làng nghề, cùng nhau xây dựng thương hiệu sản phẩm bún, miến, phở khô Chi Lăng được nhiều người biết đến.

Thêm cơ hội nâng tầm sản vật địa phương

Tuần lễ giới thiệu nông sản tiêu biểu năm 2024 có quy mô 130 gian hàng với hơn 200 mặt hàng nông sản tiêu biểu của hội nông dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và 14 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ya Toan Ênuôl cho hay, Tuần lễ là dịp để người sản xuất giới thiệu đến khách hàng sản phẩm nông nghiệp chất lượng của tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh bạn với những thông tin về quy trình sản xuất, về vùng trồng và cả những tâm huyết mà người nông dân gửi gắm qua từng hạt giống, nâng niu đến ngày hái quả. Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng cường giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Thành viên THT Nông nghiệp hữu cơ Bình Hòa giới thiệu sản phẩm cho khách hàng.

Thường xuyên tham gia các hoạt động quảng bá nông sản do Hội Nông dân tỉnh tổ chức, ông Lữ Văn Kỳ, Tổ trưởng THT Nông nghiệp hữu cơ Bình Hòa (huyện Krông Ana) cho biết, THT hiện đang canh tác theo hướng hữu cơ trên diện tích 15 ha với mục đích tạo ra vùng nguyên liệu sạch, đáp ứng yêu cầu về sản phẩm cà phê sạch cho khách hàng. Đến với những sự kiện như thế này, họ có cơ hội giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào canh tác, bảo quản và chế biến sản phẩm.

Tham gia Tuần lễ, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi đăng ký 3 gian hàng với hơn 20 mặt hàng đều là sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của nông nghiệp địa phương. Theo bà Huỳnh Thị Thanh Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi, việc quảng bá sản phẩm nông nghiệp không chỉ giúp gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp và nông dân, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Đồng thời khuyến khích nông dân khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu, sản xuất nông sản hàng hóa có chất lượng.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.