Multimedia Đọc Báo in

Nghề nuôi chim yến phát triển “nóng”: Giải pháp nào để phát triển bền vững?

08:48, 19/11/2024

Mặc dù xuất hiện từ thế kỷ 19 nhưng nghề nuôi chim yến ở Việt Nam với mục đích thương mại thì mới phát triển từ năm 2004 ở Nam Bộ. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm trở lại đây, nghề này phát triển khá “nóng”, với nhiều loại hình và quy mô khác nhau.

Tăng nhanh về số lượng

Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, hiện cả nước có 40/63 tỉnh, thành phố có nhà nuôi chim yến. Số lượng nhà yến toàn quốc tăng rõ rệt trong những năm qua. Nếu năm 2017 có 8.304 nhà yến, thì đến năm 2023 cả nước đã có 26.561 nhà yến. Địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh nhất là Kiên Giang, Khánh Hòa và Lâm Đồng.

Nhà yến được xây dựng trên địa bàn huyện Krông Pắc. Ảnh: Đinh Nga

Tại Đắk Lắk, nghề nuôi chim yến bắt đầu phát triển hơn 10 năm trở lại đây và đang phát triển mạnh mẽ cả về số lượng nhà yến cũng như số lượng cá thể yến. Hiện toàn tỉnh có gần 1.800 nhà yến, sản lượng tổ yến đạt khoảng 8 – 10 tấn (chiếm khoảng 8% số lượng nhà yến và khoảng 5% sản lượng tổ yến của cả nước).

Đắk Lắk hiện đang đứng đầu khu vực Tây Nguyên về số lượng nhà yến và đứng trong top 10 tỉnh, thành có số lượng nhà yến lớn nhất cả nước. Chất lượng sản phẩm tổ yến của Đắk Lắk được đánh giá cao và được ưa chuộng tiêu thụ trong và ngoài nước. Việc gây nuôi chim yến đang mang lại lợi nhuận cao, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều người dân.

Tuy nhiên, việc phát triển ngành yến trong thời gian gần đây còn mang tính tự phát, việc xác định vùng nuôi, cũng như công tác quản lý trật tự xây dựng công trình phục vụ nuôi chim yến tại các địa phương còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Một trong những địa phương phát triển mạnh nghề nuôi chim yến là TP. Buôn Ma Thuột, với 213 nhà yến đang hoạt động. 70% cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư, gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh và tiếng ồn, ảnh hưởng đến người dân, môi trường sống và mỹ quan đô thị (phần lớn các nhà yến này xây dựng và hoạt động trước khi có Luật Chăn nuôi năm 2018).

Hay tại huyện Ea Súp, mặc dù phát triển sau nhưng hoạt động xây dựng công trình nhà dẫn dụ chim yến của người dân phát triển rất mạnh và cũng mang tính tự phát, với 284 nhà yến, dẫn đầu tỉnh về số lượng. Với hiệu quả kinh tế cao từ kinh doanh sản phẩm tổ yến mang lại nên nhiều hộ dân đã đổ xô đầu tư xây dựng nhà yến, tự cải tạo nhà ở sang kết hợp dẫn dụ chim yến.

Tuy nhiên, số lượng nhà yến đáp ứng các điều kiện về đất đai, xây dựng, chăn nuôi... theo đúng quy định của pháp luật thì rất ít. Mặc dù UBND huyện, UBND các xã, thị trấn chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra, xử lý ngăn chặn, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính nhưng vẫn không quản lý hết, các nhà yến xây dựng trái phép vẫn cứ mọc lên.

Khâu sơ chế tổ yến ở Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Yến sào Thành Dung (huyện Krông Pắc). Ảnh: Đinh Nga

Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, việc gây nuôi chim yến đã trở thành ngành hàng nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao của tỉnh. Tuy nhiên, ngành nuôi yến ở Đắk Lắk đang gặp nhiều khó khăn và thách thức về định hướng quy hoạch vùng nuôi trọng điểm, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, quản lý chất lượng và xây dựng thương hiệu. Đa số người nuôi chim yến còn thiếu và yếu về kỹ thuật gây nuôi, sơ chế, chế biến, trang thiết bị lắp đặt, thông tin thị trường tiêu thụ. Việc kiến tạo, dẫn dắt và quản lý nhà nước đang còn nhiều hạn chế, có lúc lúng túng do còn thiếu các quy trình, quy chuẩn ngành hàng, các quy định của pháp luật và cơ chế chính sách hỗ trợ.

Gỡ khó cho ngành hàng yến sào

 

"Cần có quy hoạch cụ thể, phù hợp về vùng nuôi chim yến trên địa bàn toàn tỉnh để bà con yên tâm đầu tư. Đồng thời cần có một quy định riêng về việc cấp phép xây dựng nhà yến trên đất nông nghiệp đa chức năng, hay đất nông nghiệp khác để giúp phát triển kinh tế, tăng hiệu quả khai thác trên đất nông nghiệp…" - Chủ tịch Hội Yến sào Đắk Lắk Phạm Văn Hậu.

Chim yến đã chính thức được coi là động vật khác trong chăn nuôi, được hướng dẫn quản lý trong Luật Chăn nuôi và các văn bản dưới luật. Đồng thời, sản phẩm của yến được đưa vào định hướng trong Chiến lược phát triển chăn nuôi 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sản lượng tổ yến Việt Nam ước đạt 150 - 200 tấn/năm, trong đó có khoảng trên 3 tấn yến đảo.

Hiện nay, dẫn dụ, gây nuôi chim yến và khai thác sản phẩm từ yến là một nghề cho sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao, từ 1.500 - 2.000 USD/kg tổ yến. Sản phẩm tổ yến chủ yếu được xuất khẩu, thu về khoản ngoại tệ khoảng 200 - 300 triệu USD/năm. Đây thực sự là một nghề quan trọng và có hiệu quả kinh tế cao trong ngành chăn nuôi. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu được sản phẩm tổ yến chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là cơ hội để ngành hàng yến sào phát triển, trở thành một trong những ngành hàng mũi nhọn của ngành nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để khai thác tốt lợi thế này cũng đặt ra cho người nuôi yến, doanh nghiệp chế biến và nhà quản lý trong nước nhiều vấn đề cần giải quyết.

Theo Sở NN-PTNT, việc quản lý nuôi chim yến đã được quy định tại Điều 64, Luật Chăn nuôi năm 2018 và tại Điều 25, Nghị định số 13/2020/NĐ-CP, ngày 21/1/2020 của Chính phủ về việc hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi. Trên địa bàn Đắk Lắk, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND, ngày 13/8/2021 (có hiệu lực từ ngày 23/8/2021) quy định khu vực không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến; chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Sản phẩm tổ yến của Đắk Lắk được trưng bày, giới thiệu tại các hội nghị lớn về nông nghiệp.

Sở NN-PTNT cũng đã chủ động thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến để chủ cơ sở chăn nuôi, chủ nhà yến và người dân nắm rõ các quy định hiện hành của Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là Trung ương chưa ban hành quy chuẩn nhà yến, nên đã gây khó khăn cho địa phương và cơ quan quản lý trong thực hiện thủ tục liên quan đến xây dựng nhà yến.

Theo đó, Sở NN-PTNT kiến nghị Trung ương sớm ban hành các quy định về cơ chế, chính sách; tiêu chuẩn, quy chuẩn; môi trường, phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ công tác xuất khẩu. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh xây dựng Đề án phát triển ngành hàng yến bền vững; UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà yến và bản đồ hiện trạng nhà yến làm cơ sở để ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, định hướng phát triển nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh; tạo mọi điều kiện thuận lợi bảo đảm quy định để triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành hàng yến bền vững.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kỳ 2: Rạng rỡ những chiến công
Đắk Lắk nằm ở trung tâm cao nguyên Nam Trung Bộ, giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh của khu vực Tây Nguyên và trong cả nước. Với truyền thống kiên cường, bất khuất, đồng bào các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, một lòng, đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam nghìn năm văn hiến.