Cải thiện sinh kế từ mô hình cổ phần tài chính tự quản
Sau hơn một năm triển khai mô hình cổ phần tài chính tự quản (VSLA), nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số ở xã Cư Drăm, huyện Krông Bông đã có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống.
Do Tổ chức CARE Quốc tế xây dựng và phát triển thông qua hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp, VSLA là một nhóm tiết kiệm và cho vay tự chủ, độc lập với quy chế do chính các thành viên của nhóm xây dựng. Hoạt động chính của VSLA là tiết kiệm thông qua hình thức mua cổ phần, sau đó khoản tiết kiệm này sẽ được đầu tư dưới dạng các khoản vay mà các thành viên có thể vay lại. Đây là mô hình vận hành đơn giản, không phải tính toán nhiều, phù hợp với mọi đối tượng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)...
Từ tháng 3/2023, thông qua Dự án “Tôi vui gieo” do Pepsico tài trợ, Hội LHPN xã Cư Drăm làm “cầu nối” triển khai mô hình VSLA trên địa bàn xã. Theo đó, dự án hỗ trợ một khoản tài chính ban đầu và vốn tiết kiệm của chị em (dưới hình thức mua cổ phần tối thiểu 100.000 đồng/cổ phần) để huy động nguồn vốn cho hàng trăm phụ nữ DTTS ở các thôn, buôn vay lại để đầu tư phát triển sản xuất.
Chị H Bun Niê có thêm thu nhập nhờ có máy kéo sợi lá dứa. |
Buôn Chàm B được chọn làm điểm triển khai mô hình. Sau những ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, chị H Chước Niê, Chi hội trưởng phụ nữ buôn Chàm B vận động được 17 chị em tham gia vào nhóm. Ban đầu, số vốn khá khiêm tốn (dự án hỗ trợ 3 triệu đồng, chị em tiết kiệm đóng góp được 30 triệu đồng), nhóm tiến hành cho các thành viên có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất 1%/tháng.
Sau đó, nhận thấy hiệu quả mang lại từ nhóm VSLA, nhiều phụ nữ khác trong buôn tự nguyện đăng ký tham gia. Đến nay buôn Chàm B đã có 3 nhóm VSLA, với 52 thành viên, tổng số vốn trên 190 triệu đồng. Các nhóm đã cho 37 chị vay để đầu tư chăm sóc các loại cây trồng và nuôi heo rừng lai.
Ngoài ra, dự án còn tài trợ cho nhóm 3 chiếc máy kéo sợi lá dứa, các thành viên nhóm đã họp bình xét giao cho các gia đình đảm nhận. Chị H Bun Niê, thành viên nhóm 1 VSLA buôn Chàm B cho biết: Trước đây, mỗi năm vào vụ mùa hoặc cần tiền đầu tư chăm sóc các loại cây trồng, gia đình chị thường phải vay bên ngoài với lãi suất cao từ 10 - 15%/tháng. Khi tham gia dự án, chị được vay 5 triệu đồng để trồng dứa; được nhận 1 máy kéo sợi lá dứa. Hằng ngày, tranh thủ lúc lên nương rẫy, chị thu hoạch lá dứa đem về kéo sợi, mỗi ngày kéo 100 kg lá dứa tươi được 2 kg sợi. Với giá bán từ 140.000 - 180.000 đồng/kg sợi thành phẩm, gia đình chị có thêm một khoản thu nhập đáng kể.
Một buổi sinh hoạt của nhóm 1 VSLA buôn Chàm B. |
Hoàn cảnh khó khăn, chị H Duynh Niê từng nhiều lúc suy sụp tưởng chừng không đứng vững. Tháng 3/2023, tham gia nhóm VSLA, chị được các thành viên trong nhóm tương trợ bằng cách bình xét vay vốn chăn nuôi heo rừng lai, trồng nấm bào ngư và nhận máy kéo sợi lá dứa… Chị được cử đi tham quan, học tập kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và áp dụng hiệu quả vào mô hình sản xuất của gia đình. Với 200 phôi nấm bào ngư, sau 14 ngày trồng mỗi phôi được 1 kg, giá bán 50.000 đồng/kg, chị thu về 10 triệu đồng; heo rừng lai sinh sản 22 con, giá bán heo giống 1,2 triệu đồng/con, cùng với thu nhập từ kéo sợi lá dứa chị dùng đầu tư chăm sóc lại cho vườn cà phê. Chị H Duynh Niê còn nuôi thêm nhiều gà vịt, trồng rau xanh, kinh tế gia đình dần ổn định và phát triển.
Bà Mai Thị Hiền Chín, Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Drăm phấn khởi cho biết: Sau hơn một năm triển khai mô hình nhóm tiết kiệm VSLA, từ 7 nhóm thí điểm ban đầu, đến nay toàn xã đã phát triển lên 25 nhóm, với 480 thành viên, số vốn tăng lên 2 tỷ đồng (trong đó dự án tài trợ 892 triệu đồng, vốn đối ứng của chị em thông qua việc mua cổ phần trên 1 tỷ đồng). Số vốn này cho chị em vay phát triển sản xuất, trong đó, nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: trồng dứa, trồng dâu, nuôi tằm, chăm sóc vườn cà phê, chăn nuôi heo rừng lai…
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc