Multimedia Đọc Báo in

Hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân

08:34, 03/01/2025

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tuyến với nông dân có chủ đề "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới" vừa qua là cơ hội để nông dân, hợp tác xã (HTX), chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp có những ý kiến, đề xuất để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay.

Lắng nghe nguyện vọng của nông dân

Tại buổi đối thoại, nhiều nông dân ở các tỉnh thành trong cả nước đã bày tỏ tâm tư, ý kiến liên quan đến các nhóm vấn đề: cơ chế, chính sách thúc đẩy và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024; chương trình xây dựng thí điểm 5 vùng nguyên liệu tập trung; khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Trả lời câu hỏi về chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp, HTX tập trung đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản hiện đại gắn với vùng nguyên liệu tập trung, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, vùng nguyên liệu phải là các nguyên liệu trong chuỗi ngành hàng gồm sản xuất, bảo quản, có chế biến và phát triển thị trường, có liên kết các doanh nghiệp. Bộ cũng đang xây dựng tiêu chí đánh giá thế nào là vùng nguyên liệu tập trung, ở đó có lực lượng khuyến nông, lực lượng cơ sở tham gia để khi ghép lại lớn mạnh, đồng thời nâng cao năng lực cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành khuyến nông, nông nghiệp, công thương… để hỗ trợ cho vùng nguyên liệu tập trung.

Với câu hỏi về "số hóa" nhà nông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết yêu cầu xây dựng một chương trình thông minh trong nông nghiệp; nền tảng học tập số, kỹ năng số cho nông dân, hay nói cách khác là "số hóa" nhà nông; tư vấn cho nông dân qua một trợ lý ảo, app hỏi đáp; xây dựng các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng truy xuất nguồn gốc thuận lợi để giúp bà con nông dân xác nhận sản phẩm do mình làm ra. Đặc biệt, nghị quyết dành tới 3% ngân sách nhà nước hằng năm cho đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

Để làm rõ thêm các vấn đề, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra, chúng ta đang chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, với phạm vi rất rộng, bao trùm. Điều này đòi hỏi thay đổi tư duy của cấp ủy, chính quyền các cấp và người nông dân. Theo đó, nông nghiệp không thể đứng một mình mà phải có cả hệ sinh thái gồm các ngành nghề khác để cùng phát triển. Các ngành, các nghề phải hỗ trợ, hợp tác để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, hai khâu yếu là nghiên cứu thị trường và chế biến sâu phải nỗ lực hơn. Phải có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, như chính sách đất đai, thuế, lệ phí, ưu đãi tín dụng, đào tạo nhân lực. Cùng với đó, đẩy mạnh xâu chuỗi, liên kết phát triển, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, các HTX; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng.

Chia sẻ thêm về phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, Thủ tướng Chính phủ cho biết đây là xu thế,  các doanh nghiệp và người nông dân cũng phải nâng cao ý thức để thực hiện.

Tại buổi đối thoại, một số nội dung liên quan đến chính sách "nâng tầm nông sản Việt"; tăng mức đầu tư cho nông nghiệp; xây dựng cơ chế chính sách cho thị trường tín chỉ carbon; tiếp cận thị trường Halal; đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn… cũng được Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ giải đáp cụ thể.

Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các địa phương nhanh chóng giải quyết những vướng mắc, trăn trở của bà con nông dân, cũng như nhu cầu chính đáng của nông dân, doanh nghiệp, HTX; các cấp ủy, chính quyền địa phương định kỳ đối thoại, lắng nghe nông dân để nông dân phát huy tối đa vai trò, cùng cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.

Kết luận buổi đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn bà con nông dân tiếp tục góp ý để cùng nhau xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong thời gian tới, thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc