Huyện Krông Búk: Sức bật từ nông nghiệp
Năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết, khí hậu không thuận lợi nhưng nhờ chủ động triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, ngành nông nghiệp huyện Krông Búk đã đạt nhiều kết quả nổi bật, tiếp tục khẳng định là trụ đỡ quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Chủ động trong sản xuất
Để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, huyện tập trung hướng dẫn người dân trồng xen nhiều loại cây ăn quả trong vườn cà phê; khuyến khích nông dân liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế để có đầu ra ổn định; hỗ trợ các hộ trồng sầu riêng, HTX, doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng.
Song song đó, huyện Krông Búk đã và đang triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân vay vốn tái canh cà phê, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tổ chức các lớp tập huấn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; triển khai các mô hình trình diễn về nuôi heo thịt, dê sinh sản...
Thêm một thuận lợi trong năm 2024 là giá cả một số cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, sầu riêng tăng cao so với năm 2023 nên ngành nông nghiệp huyện đạt nhiều kết quả nổi bật. Tổng giá trị sản xuất đạt 4.993 tỷ đồng (tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước). Toàn huyện tái canh được hơn 227 ha cà phê (đạt 102,6% kế hoạch); có 3 HTX liên kết với Công ty TNHH Dakman Việt Nam sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn FLO với diện tích 396 ha; sản xuất cà phê Honey, sản lượng 70 tấn/năm; 7 HTX và 1 tổ hợp tác sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP diện tích hơn 239 ha; 17 vùng trồng sầu riêng (283 ha) và 3 cơ sở đóng gói được Hải quan Trung Quốc cấp mã số. Đặc biệt, sau nhiều năm nỗ lực, huyện được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Krông Búk” có hiệu lực 10 năm. Đây là cơ sở pháp lý, tiền đề để phát triển nhãn hiệu, nâng cao giá trị sầu riêng của địa phương.
Ông Y Tung Niê ở xã Cư Né (huyện Krông Búk) chăm sóc cà phê. |
Ông Hoàng Kiên Cường, Chủ tịch UBND huyện Krông Búk cho biết, năm 2024 là năm thắng lợi lớn của ngành nông nghiệp huyện khi nhiều loại nông sản chủ lực trên địa bàn liên tục phá kỷ lục, lập đỉnh về giá, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Nhiều nông dân đã trả được nợ, sắm ô tô, xây dựng nhà cửa và có thêm điều kiện chăm sóc cho cây trồng.
"Huyện rất cần sự hỗ trợ của cấp trên, đặc biệt là Sở NN-PTNT, UBND tỉnh quan tâm bố trí nguồn vốn sớm nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi nhằm cung cấp nước ổn định, an toàn phục vụ phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” – Chủ tịch UBND huyện Krông Búk Hoàng Kiên Cường. |
Gia đình ông Y Tung Niê ở buôn Drao (xã Cư Né) có 4 ha cà phê trồng xen sầu riêng. Tháng 9 vừa qua, gia đình ông thu hoạch 2 tấn sầu riêng, với giá bán gần 70.000 đồng/kg. Số tiền này, ông mua xe máy mới cho con gái đi làm. Còn số tiền lời hơn 1,7 tỷ đồng từ vụ cà phê năm nay - cao nhất sau 23 năm gắn bó với cây cà phê - gia đình ông dự định qua năm 2025 sẽ sửa chữa nhà cửa khang trang hơn.
Tương tự, chưa vụ thu hoạch nào gia đình ông Y Sắk Adrơng ở buôn Ea Brơ (xã Cư Pơng) vui như năm nay khi giá cà phê trên thị trường tăng cao và duy trì ổn định. Dù mất mùa so với năm trước, nhưng 3 ha cà phê của gia đình ông vẫn đem về nguồn thu gần 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí đầu tư. Ông kỳ vọng, sang năm mới giá cà phê và các mặt hàng nông sản khác tiếp tục duy trì ổn định như hiện tại để người dân yên tâm đầu tư sản xuất, thâm canh theo hướng bền vững.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Năm 2025, huyện Krông Búk phấn đấu tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) đạt 5.366 tỷ đồng. Trong đó nông, lâm, ngư nghiệp đạt 2.677 tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 12.200 tấn; sản lượng cà phê đạt 46.500 tấn.
Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện, nguồn nước tưới trên địa bàn huyện (bao gồm các công trình thủy lợi, giếng, suối, ao, hồ) mới đáp ứng được 80% diện tích các loại cây trồng. Tình trạng hạn hán kéo dài, thiếu nước tưới ở một số địa phương vẫn xảy ra, ảnh hưởng cả về diện tích và năng suất cây trồng. Sản xuất nông nghiệp của nông dân mang tính nông hộ, nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều sự liên kết gây khó khăn trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất.
Nông dân xã Tân Lập (huyện Krông Búk) thu hoạch sầu riêng. |
Theo ông Hoàng Kiên Cường, đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế của cây trồng. Đây cũng là yếu tố để ngành nông nghiệp huyện hướng đến sản xuất theo vùng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện Krông Búk quyết tâm tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động trong chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp với tình hình thời tiết, hạn chế tối đa thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua nhiều kênh khác nhau. Đặc biệt, tập trung phát triển kinh tế tập thể, nâng cao chất lượng các HTX.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc