Khởi nghiệp từ trái mắc ca
Vốn là một cán bộ ngành thuế tại huyện Krông Búk nhưng lại có niềm đam mê kinh doanh nên khi nhận thấy tại địa phương có một số nông dân trồng mắc ca không tìm được đầu ra cho sản phẩm, anh Đặng Văn Hiệp (tổ dân phố 2, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) đã quyết định thử sức khởi nghiệp với loại hạt này.
Năm 2017, vợ chồng anh Hiệp quyết định vay 200 triệu đồng để thành lập Công ty TNHH Macca Đắk Lắk và đầu tư máy móc cơ bản như: máy sấy, máy chẻ hạt, máy hút chân không... để chế biến hạt mắc ca sấy nứt vỏ.
Anh Hiệp dành khá nhiều tâm huyết để tìm hiểu về quy trình chế biến hạt mắc ca; tự tay anh đóng gói, chào hàng, quảng cáo sản phẩm khắp nơi. Mặc dù được thị trường đón nhận nhưng do anh chưa nắm vững kỹ thuật, khâu bảo quản chưa tốt, sản phẩm làm ra bị hư hỏng dẫn đến thua lỗ. Không nản chí, anh tiếp tục học hỏi quy trình chế biến, đầu tư thêm máy móc, từ đó xây dựng quy trình chế biến và bảo quản mắc ca khép kín nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý.
Anh Đặng Văn Hiệp (tổ dân phố 2, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) giới thiệu các sản phẩm chế biến từ nông sản địa phương. |
Theo anh Hiệp, quy trình chế biến hạt mắc ca không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn. Mắc ca mua về phải phân loại để chọn hạt có độ đồng đều; sấy sơ qua để bảo quản rồi mới sấy chín. Hạt sấy xong sẽ được cắt nứt và soi kỹ qua bóng đèn để loại bỏ những hạt bị đốm đen nhằm giữ được hàm lượng dinh dưỡng tốt nhất trong mỗi hạt mắc ca.
Nhờ việc đặt chữ tín lên hàng đầu, cộng với sự tin yêu của khách hàng, đến nay sau bảy năm thành lập, công ty đã đi vào hoạt động nền nếp, sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu thô sang thị trường Nhật Bản.
Hiện nay, trung bình mỗi tháng cơ sở chế biến 15 - 20 tấn hạt mắc ca, mang lại doanh thu tốt cho công ty. Bên cạnh đó còn tạo việc làm cho 15 - 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đầu người ổn định từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. Bằng việc sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương, công ty của anh đã tạo mối liên kết, giúp tiêu thụ nguồn sản phẩm nông sản cho hàng trăm hộ dân trong và ngoài thị xã, giúp người nông dân yên tâm sản xuất.
Anh Đặng Văn Hiệp đưa sản phẩm tham gia Hội chợ thương mại ASEAN - Trung Quốc (CAEXPO) vào tháng 9/2023 tại Trung Quốc. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Nói về định hướng sắp tới, anh Hiệp cho biết, hiện công ty đang đầu tư máy móc, xây dựng chiến lược để đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, các cửa hàng lớn và liên kết với các đơn vị quốc tế để tiếp tục xuất khẩu sang các nước có tiềm năng như: Trung Quốc, Hàn Quốc...
Ông Lê Đình Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Buôn Hồ nhận xét: Các sản phẩm của gia đình anh Hiệp là sản phẩm đầu tiên của thị xã Buôn Hồ đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Đây là động lực để hỗ trợ các cơ sở kinh doanh trên địa bàn đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP. Cùng với đó, thị xã đang có đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất hạt mắc ca” nhằm giúp công ty đầu tư vào công nghệ chế biến sâu để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Giang Nga
Ý kiến bạn đọc