Những kiểm lâm không chuyên
Không nằm trong biên chế của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng nhưng nhiều tổ chức, cộng đồng buôn làng vẫn tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng, góp phần gìn giữ bình yên cho những cánh rừng.
“Cứu tinh” của động vật rừng
Trong một năm qua, Tổ cộng đồng tuần tra bảo vệ rừng do Trung tâm Hành động vì Động vật hoang dã Việt Nam (WildAct) thành lập, điều hành đã có những hỗ trợ rất lớn đối với công tác bảo vệ động vật hoang dã tại Vườn quốc gia (VQG) Chư Yang Sin.
Đều đặn hằng tháng, tổ nắm bắt thông tin, khảo sát những "điểm nóng" về săn bắt động vật hoang dã, từ đó cùng với VQG Chư Yang Sin lên kế hoạch tuần tra, truy quét. Với nhân lực là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại địa phương, thông thạo địa hình, có nhiều kỹ năng sinh sống trong môi trường tự nhiên nên khi tuần tra sẽ giúp sức tích cực cho lực lượng kiểm lâm trong việc tìm kiếm những khu vực mà các đối tượng săn trộm lựa chọn để săn thú, đặt bẫy.
Phụ nữ buôn Drăng Phôk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) cùng với nhân viên kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Don tuần tra, bảo vệ rừng |
Anh Dương Văn Dùng (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông), thành viên của tổ cho biết, với kinh nghiệm đi rừng nhiều năm, anh nắm rất vững địa hình, đặc tính của các loài thú và khu vực chúng phân bố. Điều này hết sức quan trọng để khi làm nhiệm vụ nhận biết được khu vực có nguy cơ bị bọn săn trộm tổ chức săn bắn, đặt bẫy, từ đó đưa ra tham vấn cho lực lượng kiểm lâm tổ chức tuần tra, tìm kiếm, tháo gỡ bẫy thú.
“Công việc vất vả, phải đi dài ngày trong rừng, vượt qua nhiều núi cao, vực sâu đầy nguy hiểm; luôn phải tập trung lần tìm dấu vết mới phát hiện được nơi đặt bẫy thú bởi ngụy trang kỹ, rất khó phát hiện. Nhưng cũng rất vui vì khi tìm thấy những chiếc bẫy thú gỡ bỏ, phá hủy chúng là giảm thiểu nguy cơ bị dính bẫy cho các loài động vật, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học cho VQG Chư Yang Sin”, anh Dùng tâm sự.
Với sự giúp sức của Tổ cộng đồng tuần tra bảo vệ rừng, hoạt động tuần tra, tìm kiếm, phát hiện, tháo gỡ bẫy thú và các hoạt động chống săn bắt, xâm hại trái phép tài nguyên rừng của VQG Chư Yang Sin đạt được kết quả tích cực. Trong một năm qua, thông qua các chuyến tuần tra, đã phát hiện, tháo gỡ gần 2.000 bẫy thú các loại, đốt và phá hủy gần 100 lán trại của các đối tượng săn trộm.
“VQG Chư Yang Sin có diện tích rộng, tài nguyên thiên nhiên phong phú nên vấn nạn săn bắt thú rừng thường xuyên xảy ra, trong khi lực lượng quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) của đơn vị còn mỏng. Tổ cộng đồng tuần tra bảo vệ rừng đã giúp sức cho chúng tôi rất nhiều. Với kinh nghiệm đi rừng, họ phát hiện rất nhanh những dấu hiệu của bẫy thú, giúp lực lượng kiểm lâm khoanh vùng, tìm kiếm, tháo gỡ bẫy dễ dàng, hiệu quả”, ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc VQG Chư Yang Sin cho hay.
Kiểm lâm VQG Yok Đôn chia sẻ kinh nghiệm đi rừng cho chị em tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng. |
Những "bóng hồng" tham gia giữ rừng
"Bảo vệ rừng không chỉ là việc của kiểm lâm mà là trách nhiệm của tất cả mọi người. Bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chính mình” - chị H Pók Knul. |
Đã từ lâu, ở Trạm Kiểm lâm Drăng Phôk thuộc VQG Yok Don hình ảnh những người phụ nữ tham gia tuần tra, bảo vệ rừng đã trở nên quen thuộc. Dưới sự chỉ dẫn của lực lượng kiểm lâm Vườn, những phụ nữ vốn chân yếu, tay mềm nay đã nắm vững kiến thức về rừng, hoàn thiện kỹ năng tuần tra rừng, phát hiện dấu vết lâm tặc, nơi đặt bẫy thú… không thua kém gì nam giới.
Gạt giọt mồ hôi sau nửa ngày đi bộ tuần tra trong rừng, chị Đào Thị Thúy (buôn Drăng Phôk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) hào hứng kể về cơ duyên với nghề giữ rừng. Cách đây hơn 10 năm, VQG Yok Don có chính sách giao khoán QLBVR nên gia đình chị cùng với hơn 100 gia đình trong buôn Drăng Phôk nhận giao khoán QLBVR tại VQG Yok Don. Từ khi nhận khoán, các gia đình cắt cử người tham gia tuần tra, bảo vệ rừng cùng với lực lượng kiểm lâm. Những ngày đầu, công việc này chủ yếu do đàn ông đảm nhận, nhưng một thời gian sau, rất nhiều chị em trong buôn đã tham gia. “Được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn nên công việc không gặp nhiều khó khăn, chỉ cần có sức khỏe và kiên trì là làm được”, chị Thúy chia sẻ.
Tương tự, chị H Pók Knul (buôn Drăng Phôk, xã Krông Na) cũng đã có thời gian dài tham gia bảo vệ rừng của VQG Yok Don. Trong những chuyến đi rừng, chị được cán bộ kiểm lâm tuyên truyền nên ngày càng thấy được giá trị to lớn của việc giữ rừng.
Thành viên Tổ cộng đồng tuần tra bảo vệ rừng tháo gỡ bẫy thú. |
VQG Yok Don có diện tích hơn 115.000 ha với hệ sinh thái đặc trưng rừng khộp. Đây là loại rừng có hệ động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng với sự phân bố của 89 loài động vật có vú, 305 loài chim, 48 loài bò sát, 16 loài lưỡng cư, 858 loài thực vật, hàng trăm loài cá nước ngọt và hàng nghìn loài côn trùng.
Với sự giàu có của mình, VQG Yok Don luôn là nơi lâm tặc nhắm đến để khai thác lâm sản trái phép. Chính vì vậy, việc huy động cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ rừng, đã góp phần quan trọng giữ gìn an ninh rừng. “Chị em phụ nữ tham gia tuần tra, bảo vệ rừng hết sức tận tâm, trách nhiệm. Ngoài ra, họ còn là những “hạt nhân” để tuyên truyền cho bà con ở buôn làng hiểu được vai trò của rừng, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến rừng để người dân hiểu, chấp hành pháp luật liên quan đến rừng, cùng chung tay bảo vệ rừng”, ông Phan Thanh Hòa, Hạt Phó Hạt kiểm lâm VQG Yok Don đánh giá.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc