Multimedia Đọc Báo in

Cô gái Nùng và những ý tưởng "khởi nghiệp xanh"

13:56, 15/02/2025

Tận dụng bã cà phê, bã mía và phế phẩm nông nghiệp, cô gái trẻ Phạm Thị Ngọc Diễm (22 tuổi, dân tộc Nùng, ở khối 8, thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) đã tạo ra những vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường.

Năm 2019, khi đang học lớp 12, Phạm Thị Ngọc Diễm được nhà trường chọn tham gia Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Với sự hướng dẫn tận tình của các thầy giáo bộ môn, Diễm đã nỗ lực thực hiện đề tài “Ứng dụng sợi nhựa phế thải vào bê tông khí” và giành nhiều giải thưởng các cấp: giải Nhất cuộc thi cấp trường, cấp tỉnh và giải Khuyến khích cấp quốc gia.

Chính những giải thưởng đó đã tiếp thêm động lực để Diễm trau dồi kiến thức thi đỗ vào ngành công nghệ kỹ thuật hóa học tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Phạm Thị Ngọc Diễm tại Triển lãm Expo coffee Việt Nam 2024 ở TP. Hồ Chí Minh.

Khi Diễm vào đại học, người anh trai cũng bước vào năm thứ ba Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Chi phí học tập của hai anh em vượt quá khả năng xoay sở của một gia đình nông dân nghèo ở vùng sâu. Thêm vào đó, việc sản xuất của gia đình không thuận lợi, các khoản nợ ngân hàng ngày càng lớn dần… Vì gia cảnh khó khăn, ngoài giờ lên giảng đường, Diễm tranh thủ đi làm thêm để trang trải cho cuộc sống.

Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến em và gia đình lâm vào cảnh vô cùng chật vật. Cha mẹ Diễm phải bán nương rẫy, trở về nương náu tại khu đất của gia đình bà ngoại ở thị trấn Krông Kmar. Cha em phải mua củi về đốt than, mẹ thì ép nước mía bán. Tháng 8/2024, bất đắc dĩ, Diễm phải xin bảo lưu kết quả học tập về nhà phụ giúp gia đình. Nhưng làm công việc gì để vừa có tiền giúp gia đình, vừa có tích lũy để tiếp tục con đường học vấn lại là bài toán khó đối với một sinh viên nghèo như em.

Thế rồi, Diễm được người anh trai và PGS.TS Lê Anh Thắng (giảng viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) gợi ý tham gia một dự án tận dụng phế phẩm cà phê để tạo ra sản phẩm nội thất của công ty Pando. Nhận thấy đây không chỉ là cơ hội giúp mình kiếm thu nhập mà còn là một giải pháp ý nghĩa cho môi trường, Diễm nhận lời thực hiện.

Những sản phẩm tấm lót ly, bàn ghế làm từ bã cà phê, bã trà, bã mía và rơm do Diễm tạo ra.

Vận dụng những kiến thức đã học, niềm đam mê công nghệ xanh, cùng với sự cố vấn và sự hỗ trợ tài chính từ công ty Pando, Diễm bắt tay vào thử nghiệm tái chế bã cà phê. Hằng ngày, em cùng người thân đến những quán cà phê xin bã cà phê đã pha về làm nguyên liệu. Không có máy móc, thiết bị, Diễm phải làm thủ công, dùng silicon làm khuôn, sử dụng bột củ, quả pha trộn với phụ gia tạo chất kết dính, khi sản phẩm làm xong đem phơi khô, sau đó là làm bóng và thêm chất phụ gia chống thấm. Cuối cùng, Diễm đã cho ra đời sản phẩm tấm lót ly đầu tiên bằng bã cà phê.

Tận dụng những nguyên liệu có sẵn ở địa phương, Diễm gom toàn bộ bã mía mẹ ép bán hằng ngày, rồi ra đồng cắt rơm và xin cả bã trà về tiếp tục tạo ra những sản phẩm có tính thẩm mỹ cao, giá trị bền vững.

Ngày 16/10/2024, khi được mời tham dự lễ trao Giải thưởng Vừ A Dính tại Nhà Quốc hội (Hà Nội), anh trai của Diễm là Phạm Mạnh Đình đã mang theo sản phẩm của cô em gái giới thiệu với mọi người. Những tấm lót ly bằng bã cà phê, bã mía và phế phẩm nông nghiệp được mọi người dự hội nghị đánh giá cao.

Ngày 1/11/2024 sản phẩm của Diễm được mời tham dự triển lãm tại cuộc triển lãm quốc tế trà, cà phê, bánh ngọt (Expo Coffee Việt Nam 2024) diễn ra ở quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, khách đến tham quan nhận thấy sản phẩm tấm lót ly của Diễm vừa đẹp, bền và thân thiện với môi trường nên đã hợp đồng đặt hàng với số lượng lớn.

Để hỗ trợ con gái, cha Diễm đã đầu tư mua lại một chiếc máy giặt hỏng về tái chế thành máy nghiền nguyên liệu, đồng thời tận dụng nhiệt lò than để tạo lò sấy mini, giúp con có thiết bị để làm ra sản phẩm. Từ những dụng cụ thô sơ ấy, một dây chuyền sản xuất nhỏ đã hình thành. Trung bình mỗi ngày Diễm làm ra được 300 tấm lót ly, với giá dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/tấm.

Chưa dừng lại đó, khi đã có nguồn nguyên liệu và máy móc, Diễm còn tạo ra cả những bộ bàn ghế với chất lượng mẫu mã không hề thua kém chất liệu gỗ, tùy theo kích thước mà giá dao động từ 1 - 2 triệu đồng/bộ (gồm 1 bàn, 2 ghế), bước đầu được nhiều khách hàng quan tâm.

Cô gái trẻ Phạm Thị Ngọc Diễm còn ấp ủ rất nhiều ý tưởng cho giấc mơ "khởi nghiệp xanh" của mình. Tuy nhiên, để sản phẩm ngày càng được nhiều người biết đến, em rất mong muốn được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn khởi nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, máy móc hợp quy, tiến đến sản xuất đại trà...

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nô nức lên đường theo tiếng gọi non sông
Sáng 13/2, hơn 3.000 thanh niên ưu tú của 15 huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh Đắk Lắk lên đường nhập ngũ. Trong không khí nô nức, phấn khởi, tất cả các tân binh đều tỏ rõ quyết tâm rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong quân ngũ.