Multimedia Đọc Báo in

Mục tiêu tăng trưởng 8%: Doanh nghiệp phải là động lực quan trọng

08:16, 24/02/2025

Mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và hai con số trong những năm tiếp theo được nhận định là thách thức lớn nhưng cần phải đạt được để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh.

Để đạt được mục tiêu đó cần phải có chiến lược cả trước mắt lẫn lâu dài, trong đó một trong những yếu tố quan trọng nhất là sự phát triển lành mạnh, hiệu quả và bền vững của cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Thách thức lớn

Mức tăng trưởng 8% mà Quốc hội giao cho Chính phủ là mục tiêu cao nhất từ trước đến nay (thông thường là 6% - 6,5%, phấn đấu 7% - 7,5%) và đây cũng là năm đầu tiên Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các địa phương, trong đó Đắk Lắk được giao chỉ tiêu tăng trưởng 8%. Trong bối cảnh tăng trưởng bình quân của Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2024 chỉ ở mức 5 - 6% thì chỉ tiêu tăng 8% như năm nay là thách thức không nhỏ.

Bởi trên cơ sở đánh giá các mặt liên quan, Cục Thống kê dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2025 của tỉnh là 6,5%, trong khi kế hoạch của tỉnh là 7,0%. Mặc dù UBND tỉnh đã điều chỉnh Đề án phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên theo định hướng của Trung ương và cũng đã xây dựng kịch bản tăng trưởng phù hợp với mục tiêu này nhưng về lâu dài, những động lực phát triển cần được phát huy tối đa.

Muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 8% và hướng tới đạt hai con số thì cần nhiều yếu tố, nhưng nhất thiết phải có sự đóng góp của DN, phải làm sao để DN mạnh, lớn, bền vững mới tạo sự vững chắc cho nguồn thu ngân sách nhà nước.

Chế biến cà phê đặc sản tại xã Ea Tân, huyện Krông Năng. Ảnh: Nguyễn Gia

Trên thực tế, bên cạnh quy mô chủ yếu là siêu nhỏ, nhỏ và vừa thì DN tại Đắk Lắk có sự phát triển khá “phập phù” và có dấu hiệu “teo tóp” dần. Chỉ tính riêng trong năm 2024, toàn tỉnh ước có 1.500 DN thành lập mới (tăng 9,41% so với năm 2023, bằng 81,08% kế hoạch), với tổng vốn đăng ký là 10.060 tỷ đồng (giảm 17,5% so với năm 2023). Lũy kế đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 13.367 DN còn đăng ký, hoạt động, tồn tại (trong đó có 12.357 DN và 1.010 chi nhánh của DN ngoài tỉnh đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh). Tuy nhiên, số lượng DN giải thể và tạm ngừng kinh doanh trong năm 2024 tiếp tục tăng, với 215 DN giải thể (tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước) và 830 DN tạm ngừng hoạt động (tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước).

Nguyên nhân khiến số lượng DN giải thể và tạm ngừng kinh doanh tăng mạnh thì nhiều, có thể kể đến như là do ảnh hưởng của biến động kinh tế thế giới; giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng; khó khăn về tài chính, thị trường quốc tế bị thu hẹp… Tuy nhiên, tháo gỡ vấn đề hạn chế nội tại của DN như quy mô nhỏ, tiềm lực hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu, năng lực cạnh tranh yếu… mới giải quyết được sự phát triển bền vững của DN.

Mặc dù Chính phủ và địa phương đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng khi đi sâu vào hoạt động của DN thì những giải pháp đưa ra thời gian qua chưa hẳn đã được thực thi một cách nghiêm túc, hiệu quả, thậm chí còn bị cản trở bởi những điểm nghẽn về thể chế, thủ tục hành chính. Sẽ rất khó để tăng sức cạnh tranh, phát triển và lớn mạnh khi mà chi phí tuân thủ pháp luật bình quân cho DN ở Việt Nam chiếm đến 20 - 30% lợi nhuận; thời gian xử lý thủ tục hành chính trung bình cho một dự án đầu tư lớn kéo dài hơn 10 tháng (khảo sát của Ngân hàng Thế giới).

Cần tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn"

Tăng trưởng 8% không chỉ là nhiệm vụ về kinh tế - xã hội mà còn là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống. Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, chúng ta phải làm rất nhiều việc, trong đó phải tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% để tạo đà, tạo thế, tạo lực cho những năm tới tăng trưởng hai con số. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN, nhân dân cả nước. Thủ tướng nêu rõ, muốn cả nước tăng trưởng trên 8% thì tất cả các bộ, ngành, địa phương, các lĩnh vực phải tăng trưởng trên 8%, DN trong và ngoài nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân… đều phải tăng trưởng trên 8%.

Để thực hiện được mục tiêu này, Thủ tướng nêu rõ 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Liên quan đến DN, Thủ tướng yêu cầu phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, thúc đẩy các dự án FDI lớn đi vào hoạt động. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, phát triển DN dân tộc, DN nhỏ và vừa. Đồng thời, phát huy tính chủ động, tích cực, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc và phục vụ tốt nhất người dân, DN.

Một cơ sở chế biến cau xuất khẩu tại huyện Cư Kuin. Ảnh: Nguyễn Gia

Việc phát triển DN bền vững, lành mạnh không chỉ là giải pháp trước mắt mà cũng là chiến lược dài hạn. Do đó cần giải quyết càng sớm càng tốt “rào cản” phát triển của DN, bởi DN luôn được xác định là nền tảng, là động lực cho tăng trưởng, nhưng hệ thống DN của Việt Nam đang chịu bốn nút thắt lớn là thiếu hụt về đơn hàng; tắc nghẽn dòng vốn; thể chế không đầy đủ, thủ tục hành chính bủa vây và những rủi ro pháp lý có thể gặp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong bốn nút thắt trên, ngoài yếu tố thị trường, thì việc tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, yếu tố được xác định là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" hoàn toàn nằm trong khả năng của cơ quan quản lý các cấp. Cần thay đổi văn hóa, thái độ phụng sự DN, chủ động thực tâm, thực lòng đến với DN để gỡ khó. Những việc cần làm để hệ thống DN phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành, địa phương. Có như vậy, DN - nền tảng, trụ cột quan trọng của tăng trưởng mới có tận dụng được thời cơ, không gian để phát triển bền vững, lành mạnh, hiệu quả.

8 yêu cầu lớn với cộng đồng doanh nghiệp

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 52/TB-VPCP, ngày 21/2/2025 kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Theo đó, Thường trực Chính phủ đề nghị cộng đồng doanh nghiệp thực hiện 8 yêu cầu lớn sau:

(1) Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.

(2) Đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho ba đột phá chiến lược về thể chế, xây dựng hạ tầng, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực;

(3) Tăng tốc, bứt phá trong tăng trưởng, đề xuất tham gia các công trình, dự án quan trọng quốc gia;

(4) Bao trùm, toàn diện, bền vững trong phát triển của đất nước;

(5) Đẩy mạnh xây dựng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ;

(6) Tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, đặc biệt đóng góp để xóa nhà tạm, nhà dột nát và xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân;

(7) Ngày càng có nhiều doanh nghiệp dân tộc lớn tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần nâng cao thương hiệu quốc gia;

(8) Kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc.

Thông báo nêu rõ, đối với những băn khoăn, trăn trở, kiến nghị của doanh nghiệp, Thường trực Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát để xây dựng thể chế thông thoáng, dễ thực hiện; giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Phát triển hạ tầng, góp phần giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, phục vụ doanh nghiệp

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Đắk Lắk phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên
Kỳ họp chuyên đề lần thứ 17, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X diễn ra ngày 19/2 đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt trên 8% trở lên.