Nông nghiệp chuyên canh: Câu hỏi về trách nhiệm làm nông sản an toàn
Những ngày qua, dư luận xôn xao chuyện Hàn Quốc phải tiêu hủy các lô chuối Việt Nam nhập khẩu vì dư lượng hóa chất. Một số nhóm cộng đồng cũng lên tiếng nạn “giải cứu nông sản” tái diễn ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Câu hỏi về trách nhiệm làm nông sản an toàn theo đó lại được đặt ra.
Mấu chốt vấn đề là các địa phương chuyên canh nông sản đặc thù, các cấp, ngành quản lý nông nghiệp phải làm sao để người nông dân có trách nhiệm đưa sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng?
Phía sau giải cứu…
Chủ một chuỗi cửa hàng nông sản thực phẩm tại TP. Đà Nẵng chia sẻ, vấn nạn “nhiễm hóa chất” từ lâu đã ám ảnh người tiêu dùng, gần đây càng căng thẳng hơn khi các vụ nhiễm độc, trúng thực xảy ra nhiều hơn. Chính quyền thành phố này trước Tết đã chỉ đạo xử lý nghiêm một cơ sở sản xuất chả dùng hàn the và tăng cường giám sát các cơ sở thực phẩm trên địa bàn. Trước nữa, vụ giá đỗ “bẩn" ở Đắk Lắk cũng làm rúng động tâm lý rất đông người tiêu dùng, đòi hỏi có những trả lời đích xác và hành động cần thiết từ các cơ quan quản lý về bảo đảm an toàn thực phẩm trên thị trường.
![]() |
Tình trạng "giải cứu sầu riêng" với các lô hàng bị từ chối nhập khẩu bị dư luận phản ứng gay gắt. |
Diễn biến tâm lý tiêu dùng càng phức tạp hơn khi từ Tết Ất Tỵ đến nay, tình trạng bán hàng “giải cứu nông sản” lại xuất hiện ở các đô thị. Phản ảnh của nhiều người cho thấy, có rất nhiều lô hàng sầu riêng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đã quá lạm dụng hóa chất bảo quản, “hãm chín”… và bị khách hàng trả về lập tức “quay đầu” treo bảng “giải cứu” mời gọi người tiêu dùng nội địa “ủng hộ nông dân”. Nhiều người tiêu dùng tốt bụng ủng hộ phải ấm ức khi mua đúng những quả sầu riêng “sượng”, chín ép…
“Vấn đề phía sau những sự việc giải cứu trá hình, hay hàng nông sản có vấn đề không an toàn như vậy thật ra không đơn thuần thuộc về người nông dân hay thương lái. Cần nhìn toàn cảnh nguồn hàng nông sản của chúng ta là bấp bênh, thiếu kiên định trong giám sát, kiểm soát, diện tích trồng trọt không bảo đảm kỹ thuật, chất lượng canh tác, vi phạm các quy định mã vùng trồng, mã hàng hóa… Nên để chấm dứt sự lừa dối nào đó trong quá trình bán hàng, phải tổ chức cho được quy trình bảo đảm trách nhiệm an toàn nông sản trong nông nghiệp”, chủ cửa hàng nông sản nói trên phân tích.
Ông này nhấn mạnh, các chuyên gia nông nghiệp tại các hội nghị chuyên ngành đã cảnh báo về tính liên kết giữa các cấp, ngành quản lý với người nông dân, doanh nghiệp, thương lái và đến tận người tiêu dùng làm sao hợp lực bảo đảm những quy trình canh tác tuần hoàn, tuân thủ trách nhiệm về hàng hóa nông nghiệp. Chỉ cần một khâu trong chuỗi giá trị tuần hoàn không an toàn là tất cả đều bị ảnh hưởng và người tiêu dùng sẽ bị đe dọa.
Chuỗi tuần hoàn và logistics!
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, một thực tế phải ghi nhận là cho đến nay định hướng canh tác nông sản, nhất là các loại nông sản đặc thù, giá trị cao ở địa phương đã được xác định rõ: đầu tư chuyên canh, hướng đến diện tích lớn, sản lượng lớn, chấp hành các quy trình trồng trọt có tiêu chuẩn chất lượng, đạt những yêu cầu về mã vùng trồng xuất khẩu…
![]() |
Các vườn canh tác cà phê Đắk Lắk đang hướng tới các quy trình trồng trọt đạt yêu cầu về mã vùng trồng xuất khẩu. Ảnh: Minh Thuận |
Địa phương đã có những bước tiến quan trọng trong tổ chức, vận động nông dân và doanh nghiệp hợp tác, ký kết các hợp đồng đầu tư nông sản chất lượng cao, ứng dụng nhiều giải pháp khoa học mới, đầu tư công nghệ, số hóa… Cụ thể như sầu riêng, với diện tích lớn và sản lượng cao, ngành nông nghiệp địa phương đã có những vận động đầu tư chuyên canh, đặt những bài toán quản lý bền vững như: định danh, đánh số, mã QR cho từng gốc sầu riêng. Cà phê là loại nông sản lợi thế của Đắk Lắk đến nay đã định hình đầu tư với diện tích không ngừng mở rộng, áp dụng các phương pháp canh tác hữu cơ, hình thành các sản phẩm OCOP đặc trưng địa phương, có sức cạnh tranh thị trường…
Theo phân tích của ngành nông nghiệp Đắk Lắk, các sản phẩm nông nghiệp địa phương đều được định hướng triển khai chuỗi giá trị tuần hoàn, từ cải tạo giống cây trồng, phương pháp canh tác chuyên canh đến quy trình thu hoạch bảo quản và chế biến, ưu tiên đầu tư chế biến chuyên sâu. Các phế phẩm thải ra từ nông sản cũng đã được nghiên cứu chế biến thành phân bón hữu cơ, bảo đảm không có chất thải ảnh hưởng môi trường.
![]() |
Cà phê là mặt hàng nông sản giá trị cao đang được đầu tư phát triển diện tích và theo chuỗi giá trị tuần hoàn tại Đắk Lắk. |
Theo ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, định hướng đầu tư này giúp người nông dân nâng cao nhận thức trách nhiệm trong sản xuất canh tác để đạt được những tiêu chí chất lượng, an toàn với nông sản làm ra. Song quan trọng là sau những hoạch định vận động đầu tư chuỗi tuần hoàn nông nghiệp, nông sản Đắk Lắk, Tây Nguyên đang rất cần tiếp cận những hệ thống vận tải, logistics hiệu quả hơn, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển và giảm chi phí. Yêu cầu này đang được địa phương triển khai với các dự án cao tốc đường bộ kết nối xuôi Nam ngược Bắc, khai thác tốt nhất việc vận tải qua tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn… Trong tương lai, khi Tây Nguyên kiến tạo xong các vành đai đấu nối từ TP. Hồ Chí Minh lên Đắk Lắk, Đà Lạt, về Nha Trang, Phú Yên, theo đường Kon Tum về Quy Nhơn, Chu Lai, Đà Nẵng…, một diện mạo logistics hoàn chỉnh sẽ hiện ra. Tất cả cho phép Tây Nguyên khai thác tốt nhất các cơ hội xuất khẩu nông sản chất lượng và an toàn đi các nơi.
Như vậy, có thể thấy vấn nạn chất lượng nông sản lâu nay, thực tiễn giải cứu nông sản có vấn đề… đều là những vấn đề phát sinh, khi câu chuyện về trách nhiệm sản xuất nông nghiệp không được tuân thủ tốt. Từ Tây Nguyên hay về miền Tây Nam Bộ, định hướng đầu tư nông nghiệp chuyên canh được xác định với chuỗi giá trị tuần hoàn, hữu cơ cùng hệ thống giao thương với năng lực logistics ngày càng hoàn thiện sẽ mang lại những giá trị to lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam, bảo đảm các yêu cầu hàng hóa hội nhập quốc tế, nâng cao giá trị nông sản và đời sống người nông dân. Đây cũng là câu trả lời thỏa đáng cho các yêu cầu đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế hóa ngày càng cao cấp, khi nông sản Việt hướng về thị trường châu Âu và châu Mỹ!
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc