Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn chuyển đổi số ngành ngân hàng

07:21, 24/04/2025

Chuyển đổi số đã làm thay đổi việc tương tác và sử dụng các dịch vụ tài chính của người dân, doanh nghiệp.

Nhận thức  rõ xu thế này, ngành ngân hàng đã sớm ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) để tối ưu hóa quy trình giao dịch, nâng cao trải nghiệm và phục vụ khách hàng tốt hơn.

Với mục tiêu tạo ra “cú hích” trong hoạt động cung cấp dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp (DN), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Khu vực 11 đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS và thường xuyên phối hợp với cơ quan liên quan triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật dữ liệu khách hàng.

Nhân viên ngân hàng hỗ trợ khách hàng cài đặt các ứng dụng ngân hàng số.

Dấu ấn rõ nét của CĐS ngân hàng trên địa bàn tỉnh là hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Với sự đồng hành của ngành ngân hàng, việc triển khai các giải pháp TTKDTM đối với các nhóm dịch vụ như: thanh toán phí, lệ phí thủ tục hành chính (TTHC), nộp thuế, bảo hiểm xã hội được đẩy mạnh. Hiện nay, với các ứng dụng ngân hàng số, người dân có thể gửi tiền tiết kiệm online; vay vốn online; thanh toán tiền điện thoại, tiền nước, tiền điện; nộp thuế; thanh toán phí bảo hiểm… mọi lúc, mọi nơi. Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có hơn 2,7 triệu tài khoản đang còn hoạt động tại ngân hàng.

Để tiếp cận khách hàng qua các kênh số, ngành ngân hàng Đắk Lắk chú trọng đầu tư hệ thống công nghệ, nền tảng vận hành, phát triển hạ tầng CĐS, thúc đẩy TTKDTM. Sản phẩm dịch vụ ngành ngân hàng cung ứng cho khách hàng vì thế ngày càng được số hóa hiện đại, qua đó cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện ích nhằm gia tăng trải nghiệm cho người dùng.

Đơn cử như Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) đã xây dựng 3 nền tảng số phục vụ khách hàng, bao gồm App MBBank (dành cho khách hàng cá nhân), BIZ MBBank (dành cho khách hàng DN) và Banking-as-a-Service (BAAS) – cung cấp sản phẩm dịch vụ MB trên các nền tảng của đối tác. Ông Nguyễn Duy Tuấn, Giám đốc MB Đắk Lắk cho biết, hiện tại có 572.000 khách hàng mở tài khoản tại MB. Để thúc đẩy CĐS, phục vụ cho các hoạt động giao dịch, thương mại trên môi trường điện tử, đơn vị thường xuyên tổ chức các chiến dịch mở tài khoản - cài app cho khách hàng tận nơi tại các điểm tập trung đông dân cư, tặng tài khoản VQR cho các cửa hàng, tiểu thương kinh doanh có tích hợp nhiều tiện ích nổi bật như chia sẻ biến động số dư, loa báo thanh toán; đơn giản hóa thủ tục cho vay, dễ dàng giải ngân online trên nền tảng App MBBank, BIZ MBBank…

Cùng với đó, ngành ngân hàng tỉnh Đắk Lắk cũng tập trung triển khai Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; thúc đẩy tích hợp, kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Hỗ trợ người dân thực hiện các giao dịch tài chính trên môi trường điện tử.

Trong nhiệm vụ thực hiện Đề án 06 của ngành ngân hàng, việc tập trung làm sạch thông tin dữ liệu khách hàng, ứng dụng căn cước công dân gắn chip, tài khoản VNeID trong xác minh, nhận biết thông tin khách hàng cũng được các ngân hàng đẩy mạnh. Tính đến nay, đã có hơn 103 triệu hồ sơ khách hàng được đối chiếu sinh trắc học qua căn cước công dân gắn chip hoặc ứng dụng VNeID. Toàn hệ thống có 29 TCTD ký kết với cơ quan công an để triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán; 13 TCTD đã thử nghiệm luồng liên kết tài khoản an sinh xã hội (ASXH) với tài khoản ngân hàng phục vụ chi trả ASXH, trong đó đã liên kết được hơn 335.000 tài khoản ASXH; 1 TCTD đã thử nghiệm luồng thanh toán chi trả ASXH.

Theo ông Nguyễn Kim Cương, Quyền Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 11, thời gian tới, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đa dạng và gia tăng tiện ích số, trong đó, có việc phát triển sâu rộng dịch vụ TTKDTM như: đa dạng, linh hoạt các dịch vụ thanh toán điện tử trong thanh toán dịch vụ công trực tuyến, chi trả trợ cấp, ASXH, thanh toán viện phí, học phí, bảo hiểm, trả tiền điện, nước; miễn, giảm phí thanh toán để thúc đẩy, mở rộng TTKDTM. Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông, phổ cập kỹ năng số cho người dân trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính – ngân hàng trên môi trường điện tử, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu CĐS, hướng tới Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số.

Đến nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang thực hiện 126 quy trình TTHC thuộc lĩnh vực hoạt động của đơn vị được công bố trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Năm 2024, NHNN chi nhánh tỉnh tiếp nhận, trực tiếp xử lý 39 bộ hồ sơ giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực hoạt động của đơn vị, 100% hồ sơ TTHC có thu phí được thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.