Multimedia Đọc Báo in

Hoang mang với "ma trận" sữa

07:59, 20/04/2025

Vụ việc hai doanh nghiệp sản xuất, phân phối gần 600 loại sữa bột giả vừa bị cơ quan công an triệt phát đã dấy lên mối lo ngại về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng len lỏi trên thị trường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Theo kết quả điều tra bước đầu của cơ quan công an, từ tháng 8/2021, nhận thấy người dân ngày càng có nhu cầu sử dụng sữa dạng bột nội địa, đối tượng Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà (cùng trú tại Hà Nội) đã góp vốn thành lập Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group để trực tiếp tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả. Ngoài hai công ty nói trên, các đối tượng còn liên doanh, liên kết bằng hình thức góp cổ phần với nhiều đối tượng khác thành lập thêm 9 công ty với mục đích để đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm và trực tiếp kinh doanh, phân phối tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả.

Đến thời điểm bị bắt, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai với các thành phần công bố trên sản phẩm như: chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này. Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra việc bày bán sữa tại một siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Đỗ Lan

Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả. Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tuồn các loại sữa giả ra thị trường, thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng.

Thông tin đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng lớn bị phát hiện đã khiến cho người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng trước “ma trận” sữa hiện nay, nhất là các gia đình có con nhỏ.

Gia đình anh Nguyễn Đắc Thắng (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) có hai con nhỏ (4 tuổi và 2 tuổi) đang sử dụng sữa bột hằng ngày. Anh Thắng cho biết, ngoài bữa ăn chính, gia đình anh còn sử dụng sữa bột để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho con. Trung bình mỗi tháng, các con của anh uống hết khoảng 4 hộp sữa bột. Các sản phẩm sữa đều được anh chọn mua tại những địa chỉ uy tín, cửa hàng lớn trên địa bàn. Thế nhưng, khi biết có vụ sản xuất sữa giả quy mô lớn với thủ đoạn tinh vi khiến bản thân anh thực sự lo sợ. Ngay lập tức, anh đã lên mạng dò tìm xem sản phẩm sữa con mình đang uống có nằm trong danh sách các loại sữa giả hay không. Đồng thời, liên tục cập nhật thông tin để biết tình hình, liệu khi sử dụng phải những sản phẩm sữa kém chất lượng sẽ gây hại ra sao đến hệ tiêu hóa, sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ nhỏ. “Chỉ vì lợi nhuận mà các đối tượng đã làm ăn gian dối. Tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm vụ việc này để răn đe, ngăn chặn những trường hợp tương tự xảy ra”, anh Thắng bức xúc.

Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng cũng đã quyết định ngừng dùng sản phẩm sữa bột để bảo đảm an toàn cho sức khỏe bản thân và gia đình.

Ba năm trở lại đây, bà Nguyễn Thị Lệ Hằng (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) đều đặn uống 2 ly sữa bột/ngày. Theo bà Hằng, do bản thân tuổi đã cao, hay bị đau nhức xương khớp, ăn uống kém nên khi đi khám được bác sĩ khuyên dùng thêm sữa bột để bổ sung canxi, chất dinh dưỡng cho cơ thể. Là người tiêu dùng thường xuyên uống sữa, khi xem tin tức trên báo đài thấy thông tin về sữa giả, bà cảm thấy bất an vì không biết loại sữa mình đang uống có phải là sữa giả hay không. “3 – 4 ngày nay, tôi không dám uống sữa nữa. Tôi đang chờ các cấp có thẩm quyền công bố đầy đủ tất cả những loại sữa giả đang lưu thông trên thị trường thì mới yên tâm sử dụng tiếp”, bà Hằng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hằng (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) bày tỏ lo lắng về chất lượng các sản phẩm sữa bột đang bày bán trên thị trường hiện nay.

Cùng chung tâm trạng, bà Mai Thị Nga (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) cũng rất lo ngại về tình trạng sữa giả, kém chất lượng. Được biết, gần một năm nay, bà Nga chọn sử dụng các loại sữa bột dành cho người già để nâng cao sức khỏe của hai vợ chồng. Giá mỗi hộp sữa bà mua dao động từ 450.000 – 500.000 đồng. Những ngày gần đây, qua theo dõi tin tức, bà thấy các sản phẩm sữa này có mặt ở cả kênh bán hàng truyền thống lẫn trực tuyến. Điều này khiến bà không khỏi băn khoăn nên lựa chọn sản phẩm sữa nào cho yên tâm, bởi với số lượng lớn các sản phẩm sữa bột khác nhau đang được bán trên thị trường như hiện nay thì người mua khó xác định được sữa thật hay giả bằng mắt thường. Thậm chí, bà không dám kiểm tra những sản phẩm sữa bột đã từng sử dụng trước đó vì sợ gia đình hoang mang thêm.

“Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các đường dây sản xuất sữa giả để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính”, bà Nga bày tỏ.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để tránh mua phải sữa giả, sữa kém chất lượng. người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng, lâu năm trên thị trường, được bán tại các cơ sở tin cậy như nhà thuốc, siêu thị lớn và các cửa hàng có giấy phép. Đồng thời, cần phải phải kiểm tra kỹ lưỡng những thông tin liên quan đến sản phẩm như bao bì, tem nhãn, mã QR…

Liên quan đến vụ việc này, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố, bắt tạm giam 8 đối tượng về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” và “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Minh Tâm
 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.