Huyện Krông Bông: Phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm
Vài năm trở lại đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Krông Bông đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cây trồng ngắn ngày sang trồng dâu nuôi tằm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Khá lên nhờ trồng dâu nuôi tằm
Năm 2019, ông Lê Đình Tú (ở buôn Cư Drăm, xã Cư Drăm) chuyển đổi 5 sào đất trồng cỏ nuôi bò sang trồng dâu nuôi tằm. Thời gian đầu, ông chỉ mua 1 hộp tằm giống về nuôi thử. Sau 14 ngày nuôi, ông thu được 50 kg kén. Toàn bộ kén được thương lái đến tận nhà thu mua với giá 200.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông thu lãi 8 triệu đồng.
Nhận thấy việc trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả, ông Tú từng bước mở rộng quy mô nuôi trồng. Hiện gia đình ông có 2 ha trồng dâu và khu nhà nuôi tằm rộng 260 m2. Trung bình mỗi tháng, gia đình ông nuôi 4 hộp tằm giống, thu hoạch được khoảng 2 tạ kén. Với giá bán từ 210.000 – 220.000 đồng/kg kén, sau khi trừ chi phí phí, gia đình ông thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông Tú cũng tìm tòi, học hỏi thêm kỹ thuật ươm con giống để phục vụ việc nuôi tằm của gia đình và người dân trong vùng. “Nuôi tằm vốn đầu tư ít, trong khi việc tiêu thụ sản phẩm lại thuận lợi đã giúp gia đình có thu nhập ổn định. Hiện gia đình tôi đang đầu tư mở rộng thêm 3 ha trồng dâu và mua sắm thêm vật dụng chăn nuôi để tăng số lượng nuôi”, ông Tú chia sẻ.
![]() |
Gia đình bà Bùi Thị Kim Anh (xã Yang Reh) có thu nhập ổn định nhờ trồng dâu nuôi tằm. |
Tương tự, nghề trồng dâu nuôi tằm đã giúp gia đình bà Bùi Thị Kim Anh (ở xã Yang Reh) có nguồn thu nhập ổn định. Năm 2020, bà Anh chuyển đổi 1 ha đất trồng ngô sang trồng dâu nuôi tằm. Bà đầu tư 140 triệu đồng mua cây dâu giống và xây dựng khu nhà trại để nuôi tằm. Trung bình mỗi lứa, bà nuôi từ 1 - 2 hộp tằm, chỉ sau 14 ngày nuôi đã cho thu hoạch từ 50 - 60 kg kén. Với giá bán dao động từ 190.000 - 220.000 đồng/kg kén, sau khi trừ chi phí bà thu lãi từ 8 - 10 triệu đồng/hộp.
Hướng đến phát triển bền vững
Trong những năm qua, nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện Krông Bông đã cho hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Từ hiệu quả mô hình mang lại, nhiều nông dân đã bắt đầu mở rộng quy mô và liên kết để phát triển trồng dâu nuôi tằm. Hiện toàn huyện có khoảng 140 ha dâu tập trung chủ yếu tại các xã Yang Reh, Hòa Lễ, Cư Drăm, Cư Pui… Đến nay, trên địa bàn huyện cũng đã thành lập được một số tổ hội nghề nghiệp, hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm hoạt động có hiệu quả.
Bà Trần Thị Thu, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp dâu tằm tơ Hòa Lễ cho biết, năm 2023, HTX được thành lập với 20 thành viên. Đến nay đã tăng lên 40 thành viên, với tổng diện tích trồng dâu là 45 ha. Hiện trung bình mỗi tháng, HTX xuất bán từ 3 – 6 tấn kén ra thị trường. “Trung bình với 1 ha dâu, người dân có thể nuôi từ 30 – 35 hộp tằm/năm. Sau khoảng 15 – 17 ngày, mỗi hộp tằm sẽ thu được từ 50 – 70 kg kén. Với giá bán bình quân 200.000 đồng/kg kén như hiện nay, sau khi trừ chi phí, người nuôi thu lãi từ 8 – 9 triệu đồng/hộp. Thời gian tới, HTX sẽ đầu tư hạ tầng để tự ươm giống nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, giảm bớt chi phí đầu vào và tăng lợi nhuận cho các thành viên”, bà Thu chia sẻ.
![]() |
Lãnh đạo huyện Krông Bông thăm mô hình trồng dâu nuôi tằm tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp dâu tằm tơ Hòa Lễ. |
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Krông Bông, qua thực tế cho thấy nghề trồng dâu nuôi tằm tại địa phương có tiềm năng phát triển mạnh bởi quỹ đất rộng; điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp; sản phẩm tơ tằm đang có tín hiệu tốt từ thị trường… Tuy nhiên, hiện nay nghề trồng dâu nuôi tằm còn gặp không ít khó khăn như: quy mô còn khá nhỏ lẻ và chưa tập trung; đầu ra của sản phẩm đang phụ thuộc vào khâu trung gian. Bên cạnh đó, người trồng dâu, nuôi tằm còn thiếu vốn sản xuất, nhất là vốn đầu tư nhà nuôi tằm đúng với quy trình kỹ thuật nên năng suất còn hạn chế; chưa chủ động được con giống tại chỗ (chủ yếu nhập từ tỉnh Lâm Đồng) nên chất lượng chưa cao; chưa được tập huấn chuyên sâu về kỹ thuật chăn nuôi tằm…
Với mong muốn đưa nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển nhanh và bền vững, huyện Krông Bông đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm mở rộng quy mô theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Định hướng của huyện là tiếp tục mở rộng quy mô, diện tích tại những khu vực có điều kiện phù hợp. Mục tiêu trong năm 2025, diện tích trồng dâu trên địa bàn huyện đạt 200 ha.
Tuyết Mai – Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc